Miễn thuế thu nhập cá nhân: Nên tính có lợi cho dân

25/10/2020

Nên chọn bình quân sáu tháng cuối năm hoặc cho người nộp thuế lựa chọn cách tính có lợi nhất.<

>

Quốc hội vừa thông qua chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay cho các cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc 1 (dưới 5 triệu đồng/tháng).

Thu nhập tính thuế là phần thu nhập còn lại sau khi lấy tổng thu nhập trừ đi các khoản như bảo hiểm, đóng góp từ thiện nhân đạo (nếu có), giảm trừ gia cảnh (4 triệu đồng cho người nộp thuế, 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc).

Như vậy hiểu nôm na, cá nhân không có người phụ thuộc và có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì được miễn thuế TNCN.

Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể tính miễn thuế ra sao. Tuy nhiên, việc miễn thuế TNCN cho các đối tượng như trên đã từng được áp dụng cho năm tháng cuối năm 2011 và đã nảy sinh nhiều bất cập khiến người nộp thuế bị thiệt thòi. Vì thế người dân đang trông đợi lần này những bất cập đó sẽ được sửa đổi.

Trên 9 triệu đồng/tháng: Không miễn đồng nào

Để hướng dẫn thực hiện việc miễn thuế TNCN năm tháng cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 154/2011.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Thông tư này đưa ra ví dụ cụ thể: Anh A có thu nhập từ tiền lương, tiền công của tháng 8 là 9,2 triệu đồng. Anh A chỉ có giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng, các khoản đóng bảo hiểm là 200.000 đồng, không có đóng góp từ thiện nhân đạo, không có giảm trừ cho người phụ thuộc. Thu nhập tính thuế của anh A là: 9,2 triệu đồng - 4 triệu đồng - 200.000 đồng = 5 triệu đồng. Như vậy, anh A có thu nhập tính thuế ở bậc 1, vì vậy anh A tạm thời chưa phải nộp thuế TNCN của tháng 8 (250.000 đồng).

Tuy nhiên cần lưu ý, việc miễn thuế chỉ thực hiện với người có thu nhập tính thuế ở bậc 1 như trên, còn hễ thu nhập tính thuế vượt qua bậc khác thì phải đóng thuế đầy đủ, không được miễn đồng nào.

Bộ Tài chính đưa ra ví dụ: Anh B có thu nhập từ tiền lương, tiền công của tháng 8 là 21,2 triệu đồng. Anh B chỉ có giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng, các khoản đóng bảo hiểm là 318.000 đồng, không có đóng góp từ thiện nhân đạo, không có giảm trừ cho người phụ thuộc. Thu nhập tính thuế của anh B là: 21,2 triệu đồng - 4 triệu đồng - 318.000 đồng = 16.882.000 đồng. Như vậy, anh B có thu nhập tính thuế ở cả bậc 1, 2, 3 nên anh B phải nộp thuế cả ba bậc này.

Miễn thuế 2011: Tính trung bình của năm

Thế nhưng việc miễn trên đang là kê khai, tạm tính cho từng tháng. Việc có miễn thực tế hay không còn phụ thuộc vào quyết toán thuế cả năm.

Để hướng dẫn chính sách miễn thuế TNCN này, Chính phủ đã có Nghị định 101/2011, trong đó quy định “thu nhập tính thuế làm căn cứ xác định việc miễn thuế là thu nhập tính thuế bình quân của cá nhân thực nhận trong năm 2011”.

Như vậy, muốn được miễn thuế của năm tháng cuối năm 2011 thì cá nhân phải có thu nhập tính thuế trung bình tháng trong năm dưới 5 triệu đồng, nói cách khác, cá nhân không người phụ thuộc phải có thu nhập trung bình dưới 9 triệu đồng/tháng. Hướng dẫn cụ thể việc quyết toán thuế, đầu năm 2012, Tổng cục Thuế có Công văn 230/TCT-TNCN hướng dẫn chi tiết. Theo đó, trường hợp ông C, sau khi trừ các khoản giảm trừ và bảo hiểm, ông C có thu nhập tính thuế cả năm 2011 là 36 triệu đồng/năm, bình quân tháng là 3 triệu đồng. Mức này dưới 5 triệu đồng nên ông C nằm trong diện được miễn thuế của năm tháng cuối năm 2011.

Trường hợp ông D có thu nhập tính thuế cả năm là 120 triệu đồng/năm, bình quân tháng là 10 triệu đồng. Mức này vượt mức 5 triệu đồng, vì vậy ông D không được miễn đồng thuế nào.

Với cách tính bình quân theo năm như trên, cá nhân có thu nhập tính thuế trong năm tháng cuối năm 2011 dưới 5 triệu đồng/tháng nhưng do thu nhập những tháng đầu năm cao hơn khiến cho thu nhập tính thuế bình quân của năm trên 5 triệu đồng/tháng thì họ cũng sẽ không được miễn thuế.

Đây chính là điểm bất cập mà nhiều người cho rằng cần phải được sửa đổi trong lần miễn thuế sáu tháng cuối năm nay. Cụ thể, thay vì bắt buộc tính theo bình quân năm thì nên tính theo bình quân sáu tháng cuối năm để sát thực tế hoặc cho người nộp thuế lựa chọn cách tính có lợi cho mình nhất.

Theo Quỳnh Như

Phapluat TP HCM

<

>

 

Cùng danh mục

Thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế (NNT) được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế...

Giải đáp thắc mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (Công văn 2412/TCT-TNCN)

Công văn 2412/TCT-TNCN năm 2014 vướng mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc của cục Thuế tỉnh Kiên Giang do Tổng Cục Thuế ban hành.