Việc điều tiết thuế theo Luật thuế TNDN đối với hộ, cá nhân kinh doanh đến nay đã không còn phù hợp, bởi vì với cùng một mức thu nhập nếu cá nhân kinh doanh thì thu nhập sau khi trừ chi phí liên quan đến kinh doanh phải nộp thuế TNDN với thuế suất toàn phần 28% cho cả toàn bộ hộ kinh doanh, không phân biệt số lượng tham gia kinh doanh; còn đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiển công được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần của pháp luật thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao (áp dụng từ cuối năm 2008 về trước) với thuế suất từ 10% đến 40%. Mặt khác, thu nhập cá nhân kinh doanh phải nộp thuế ngay từ đồng tiền thu nhập đầu tiên, trong khi đó thu nhập của cá nhân từ tiền lương, tiền công chỉ chịu thuế đối với phần Thu nhập vượt trên mức khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Cách tính thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân phù hợp và có lợi hơn cho người nộp thuế so với nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp trước đây.
Luật thuế TNCN có hiệu lực từ 01/01/2009 đã đưa cá nhân kinh doanh vào diện nộp thuế TNCN, áp dụng thống nhất biểu thuế lũy tiến từng phần, được giảm trừ gia cảnh, được trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo,..như cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công là hợp lý, thể hiện sự đối xử công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Thực tế đã chứng minh, nếu mức điều tiết thuế hợp lý, các hộ kinh doanh sẽ tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Với việc chuyển đổi từ hình thức thu thuế, vừa khuyến khích hộ kinh doanh cá thể tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ quan chức năng, phục vụ cho điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả.
Thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm kích cầu đầu tư tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế; duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Quốc hội đã ban hành NGhị quyết số 32/2009/QH12 cho phép hộ, cá nhân kinh doanh được miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009, từ tháng 01/7/2009, hộ kinh doanh cá thể sẽ nộp thuế Thu nhập cá nhân.