Dịch vụ đại lý thuế là lĩnh vực mới xuất hiện tại Việt Nam. Các đại lý thuế là công cụ đắc lực của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế. Đại lý thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế cho người nộp thuế.
Dịch vụ đại lý thuế là lĩnh vực mới xuất hiện tại Việt Nam. Các đại lý thuế là công cụ đắc lực của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế. Đại lý thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế cho người nộp thuế.
ĐẠI LÝ THUẾ CHUẨN BỊ HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
Các chuyên gia ngành thuế nói rằng, nhà đầu tư chứng khoán có thể nhờ đến đại lý để tư vấn thực hiện nghĩa vụ, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, họ cũng từng hy vọng dịch vụ này ngày một chuyên nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nộp thuế.
Tuy Luật Quản lý thuế công nhận tư cách, vai trò của các đại lý thuế trong nền kinh tế song để hoạt động này đi vào chuyên nghiệp, không nảy sinh những "con sâu làm rầu nồi canh" thì có lẽ phải rất lâu nữa mới có thể thực hiện tại Việt Nam.
Một quan chức ngành thuế (đã nghỉ hưu) được mời tham dự Đại hội lần thứ 52 của Hiệp hội Thuế Nhật Bản tổ chức mới đây không khỏi thán phục. Hiệp hội Thuế Nhật Bản (tổ chức của các đại lý thuế) có 71.000 hội viên, Đại hội lần thứ 52 vừa qua có tới 2.000 người tham dự. Hoạt động của Hiệp hội rất hiệu quả thể hiện qua thực tế tại Nhật Bản có 3 triệu doanh nghiệp thì có tới 2,7 triệu công ty sử dụng dịch vụ qua đại lý thuế. Nhân sự của những đại lý này phải qua các lớp đào tạo, được Hiệp hội cấp chứng chỉ và cứ 3 năm phải kiểm tra lại, không đạt kiến thức thì bị loại. Nhờ những đại lý này, doanh nghiệp không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, tránh tình trạng nhũng nhiễu, đòi hỏi và "làm luật".
Ban đầu, các đại lý thuế có khung phí chuẩn, sau đó do cạnh tranh nhau nên chất lượng dịch vụ của những tổ chức này vừa được nâng lên, chi phí lại ở mức dễ chịu với doanh nghiệp. Tại Đại hội của những người khai thuê thuế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản và một số thành viên Chính phủ đến tham dự, đặc biệt đích thân ông bộ trưởng đã phát biểu cám ơn những người làm dịch vụ thuế giúp ngân sách thu đủ, người nộp thuế không vi phạm pháp luật.
Với Việt Nam, Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007) cho phép lập các đại lý thuế - cơ quan trung gian làm nhiệm vụ tư vấn pháp luật, thay mặt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế. Đại lý có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan thuế các tài liệu, chứng từ để xác minh tính chính xác việc quyết toán thuế, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế... và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật cũng quy định, những người hành nghề đại lý thuế phải có chứng chỉ hành nghề do Tổng cục Thuế sát hạch và cấp. Dự kiến, đến quý IV năm nay mới tổ chức đợt thi đầu tiên.
Thực ra, trước khi những văn bản quy định hoạt động của các đại lý thuế được ban hành, nghề tư vấn thuế đã xuất hiện tại Việt Nam, dưới hình thức dịch vụ của các công ty kiểm toán, công ty tư vấn và văn phòng luật sư. Do chưa có chuẩn mực nên trong nhiều trường hợp tư vấn thuế biến tướng, tìm thủ thuật lách luật cho doanh nghiệp nhằm trốn thuế, có nơi luật sư tư vấn cho doanh nghiệp mua hóa đơn đỏ bên ngoài để lập chứng từ giả… Trước khi ban hành Luật Quản lý thuế, đã có ý kiến cho rằng, việc có thêm cơ quan thứ ba này có thể phát sinh kẽ hở. Thậm chí, người làm đại lý thuế có thể biến tướng thành "cò môi giới" giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Có ý kiến lại lo ngại, các quy định quá dễ dãi, chế tài xử phạt không rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng các đại lý thuế mọc lên như nấm, không thể kiểm soát nổi. Đơn cử, điều kiện để trở thành cơ quan tư vấn thuế khá đơn giản, mỗi đơn vị chỉ cần hai người có chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tư vấn dịch vụ của đại lý thuế gây tổn thất cho ngân sách nhà nước, liệu họ có đủ khả năng về tài chính để chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp và Nhà nước? Liệu đại lý thuế bắt buộc phải có một khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng, nhằm bảo đảm nếu làm sai hoặc gây tổn thất thì phải đền bù thiệt hại cho những người thuê trong khi Luật quy định, nếu đại lý thuế thực hiện không đúng quy định, người nộp thuế vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lâu nay, trong các cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý, thủ tục thuế vẫn là một trong những nội dung bị kêu ca nhiều nhất. Đại lý thuế và ý nghĩa của nó trong việc tạo điều kiện cho người nộp thuế, tiết kiệm chi phí cho xã hội và giảm thiểu tiêu cực là cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, để hoạt động của đại lý thuế hiệu quả, chế tài và khung pháp lý cho loại hình dịch vụ này rất cần chặt chẽ. Được biết, Bộ Tài chính đã chấp bút soạn thảo một nghị định để trình Chính phủ hướng dẫn hoạt động của các đại lý thuế, dù đề cập từ khá lâu nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Chúc bạn thành công!