Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac, quan chức được giao nhiệm vụ giám sát chính sách thuế của Chính phủ Pháp. Nhưng, trớ trêu thay vị bộ trưởng này lại “mất ghế” vì liên quan đến hành vi… trốn thuế.
Tháng 12/2012, trang tin Mediapart tung tin ông Jerome Cahuzac có tài khoản bí mật ở Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Trang tin này đưa ra bằng chứng, ông bộ trưởng đã tới Geneva để chuyển tiền đến một nước ở châu Á. Trang tin Mediapart còn công bố đoạn băng ghi âm một cuộc điện thoại. Trong đó, giọng nam được cho là của ông Jerome Cahuzac nói, “điều làm tôi cảm thấy rất phiền là đã mở tài khoản ở UBS. Đây không phải là ngân hàng bí mật nhất mà tôi cần”.
Kể từ khi bị tố cáo, ông Jerome Cahuzac liên tục bác bỏ việc sở hữu tài khoản ở nước ngoài. Ông bộ trưởng cho rằng, việc nói ông có tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ là “điên khùng” và khẳng định “tôi không bao giờ có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ hay bất kỳ nước nào”. Bộ trưởng Ngân sách Pháp quyết liệt phủ nhận tin đồn có hại cho mình không chỉ trên truyền thông, mà còn cả trước Quốc hội Pháp, cũng như khi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Francois Hollande.
Tuy nhiên, vào ngày 19/3/2013 sau khi Viện Công tố Paris loan báo mở điều tra về hành vi trốn thuế của Bộ trưởng Ngân sách. Ông Jerome Cahuzac đã ngậm ngùi từ chức. Về pháp lý, Jerome Cahuzac chưa bị truy tố thì coi như vô tội. Nhưng, trước sức ép từ Tổng thống Francois Hollande, ông ta đã phải rời khỏi vị trí của mình, không để vụ việc ảnh hưởng đến hoạt động của Chính phủ.
Đến ngày 2/4/2013, cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac đã thú nhận sự thật với 2 thẩm phán thụ lý hồ sơ là Renaud Van Ruymbeke và Roger Le Loire về việc đã mở một tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ, sau đó chuyển tài khoản này sang Singapore.
Lời thú nhận của Jerome Cahuzac, ngay lập tức như một cơn địa chấn chính trị ở Pháp, làm sụt giảm uy tín Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande. Bởi, người trốn thuế lại là nhân vật nắm trọng trách về công tác ngân sách trong Chính phủ. Tổng thống Francois Hollande nói rằng, “Jerome Cahuzac đã phạm phải một lỗi đạo đức không thể tha thứ được, vì phủ nhận sự thực”.
Theo cơ quan chức năng Pháp, cựu Bộ trưởng Ngân sách thừa nhận đã mở một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ, cất giấu ở đó khoảng 30.000 euro (38.400 USD) để tránh phải đóng thuế. Nếu bị tòa tuyên án, ông Jerome Cahuzac có thể sẽ bị kết án 5 năm tù giam…
Nhân vật Jerome Cahuzac từng được xem là một trong những bộ trưởng trụ cột của Chính phủ. Ông ta được nhiều người, kể cả phe đối lập, đánh giá cao về năng lực. Vụ bê bối này xảy ra vào thời điểm Chính phủ Pháp đang chuẩn bị dự toán ngân sách cho năm tới. Người thay thế, nắm ghế Bộ trưởng Ngân sách là Bộ trưởng châu Âu Bernard Cazeneuve, vốn không phải là một chuyên gia về các vấn đề kinh tế, ngân sách.
Bê bối của Jerome Cahuzac đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Chính phủ Tổng thống Francois Hollande. Trong bối cảnh, Francois Hollande đang nỗ lực đưa ra những kế hoạch làm giảm thâm hụt, duy trì tín nhiệm tài chính, uy tín của Chính phủ với các đối tác sử dụng đồng tiền chung.
Đặc biệt, vụ bê bối xảy ra vào thời điểm Tổng thống Pháp đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với chương trình ngân sách mới. Ngược lại với thời gian, trong thời điểm vận động tranh cử, Hollande từng cam kết trong Chính phủ của ông sẽ không có người nào bị xét xử và tuyên án vì những liên quan đến bê bối chính trị.
Bản thân thủ phạm gây ra vụ gian lận là Jerome Cahuzac cũng từng tuyên bố, một trong những ưu tiên của ông là chống trốn thuế! Phản ứng trước sự việc, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đối lập tại Hạ viện Christian Jacob tỏ ra nghi ngờ việc những người đứng đầu Chính phủ không biết trước sự thực…
Để trấn an dư luận, vớt vát uy tín của Chính phủ, đồng thời nhằm làm trong sạch đời sống chính trị nước Pháp… trong một bài diễn văn trên truyền hình, Tổng thống Francois Hollande nhấn mạnh, ông sẽ đề nghị thông qua một dự luật yêu cầu các Bộ trưởng trong Chính phủ và các Nghị sĩ Quốc hội phải kê khai và phổ biến chi tiết về tài sản cá nhân.
Đồng thời, phải thực hiện những bước cần thiết để củng cố tính độc lập của ngành tư pháp. Ông Francois Hollande cũng khẳng định những người đã bị kết tội lừa đảo hay tham nhũng sẽ bị cấm vĩnh viễn, không được nắm giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền…
Thực tế hiện nay, bên cạnh những bê bối chính trị, Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande cũng đang mất uy tín nặng nề. Viễn cảnh kinh tế khá u ám, khi dự báo kinh tế chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm 2013, Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp đang có dấu hiệu tăng lên.
Theo: vietstock.vn