Thuế nhà đất

11/01/2019

1. Xác định diện tích đất tính thuế nhà đất của hộ nộp thuế nhà đất

- Diện tích tính thuế nhà, đất là toàn bộ diện tích thuộc khuôn viên đất ở của hộ nộp thuế bao gồm: diện tích mặt đất xây dựng nhà ở và các công trình phụ, diện tích đường đi lại, diện tích sân, diện tích đường bao quanh nhà, diện tích vườn, ao hồ và diện tích để trống được phép sử dụng theo giấy phép cấp đất của cơ quan có thẩm quyền (trừ diện tích thuộc khuôn viên đã nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp).

- Xác định diện tích tính thuế đất ở hộ nộp thuế căn cứ vào Tờ khai của hộ. Trường hợp diện tích ghi trong Tờ khai không phù hợp với diện tích theo dõi của cơ quan Địa chính xã, phường thì phải kiểm tra, đo đạc lại theo thực tế đất ở của hộ nộp thuế và xác định diện tích đất ở theo thực tế đo đạc lại.

- Trường hợp hộ nộp thuế không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế thì cơ quan rthế phối hợp với UBND xã (cán bộ địa chính xã) kiểm tra, xác định đúng diện tích đất chịu thuế của hộ.

2. Xác định hạng đất tính thuế nhà đất của hộ nộp thuế nhà đất:

- Hạng đất được dùng để tính thuế đất ở vùng nông thôn là hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng.

- Hạng đất để tính thuế đất ở vùng đô thị được căn cứ vào các yếu tố chủ yếu loại đô thị, loại đường phố hoặc khu phố và vị trí đất.

Quy định về phân loại đô thị:

Việc phân loại đô thi đượ vận dụng bảng phân loại đô thị của Chính phủ từng thời kỳ ở từng địa phương.

Đối với các đô thị mới hình thành, chưa có tên trong bảng danh mục xếp loại đô thị thì tạm thời sắp xếp như sau:

+ Các đô thị nơi có trụ sở UBND tỉnh xếp loại IV.

+ Các đô thị khác (trừ Thị trấn) xếp vào loại đô thị loại V.

Thị trấn.

Quy định về phân loại đường phố:

Đô thị loại I đến xếp loại IV được phân làm 4 loại đường phố hoặc ít hơn, đô thị loại V được phân thành 3 loại đường phố hoặc ít hơn, thị trấn được phân thành 2 loại đường phố.

Cục thuế phối hợp với cơ quan Xây dựng và cơ quan Địa chính cùng cấp để phân loại đường phố ở đô thị tại địa phương mình, trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Quy định về phân loại vị trí đất:

Căn cứ vào loại đường phố của từng đô thị đã được UBND cấp tỉnh quyết định, Chi cục thuế thực hiện phân loại vị trí đất cụ thuế trong từng loại đường phố để xếp mức thuế đất tương ứng trình UBND quận, huyện quyết định.

Trong cùng vị trí đất nhưng do điều kiện thuận lợi có khác nhau thì có thể hạ thấp mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với lô đất có điều kiện kém hơn.

Đối với lô đất giáp ranh giữa các loại đường phố, đất giáp ranh giữa các loại vị trí có mức thuế cao thấp khác nhau thì căn cứ vào mức độ thuận tiện của vị trí đất Chi cục trưởng Chi cục thuế được điều chỉnh mức thuế cho phù hợp.

 

3. Xác định mức thuế trên đơn vị diện tích đất chịu thuế của hộ nộp thuế:

- Đối với hộ nộp thuế thuộc vùng đô thị:

Tuỳ theo vị trí lô đất của hộ nộp thuế thuộc loại đường phố và loại đô thị khác nhau mà xác định mức thuế nhà đất khác nhau tính trên một đơn vị diện tích đất chịu thuế (mức thuế bằng từ 3 đến 32 lần mức thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp hạng đất cao nhất trong vùng).

- Đối với hộ nộp thuế thuộc vùng nông thôn: Mức thuế nhà đất bằng 1 lần mức thuế suất thuế SDĐNN bình quân của xã.

- Đối với hộ nộp thuế thuộc vùng ven đô thị, ven đầu mối giao thông, ven trục đường giao thông chính, đất khu thương mại, du lịch không thuộc đất đô thị:

Mức thuế nhà đất bằng từ 1,5 lần đến 2,5 lần thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong huyện.

- Trường hợp trong một đô thị có những thôn, xóm mà điều kiện sinh hoạt như vùng nông thôn, chuyên sản xuất nông nghiệp thì áp dụng mức thuế nhà đất như vùng ven đô thị (từ 1,5 lần đến 2,5 lần mức thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong huyện).

 

4. Xác định số thuế nhà đất ghi thu trong năm và lập sổ thuế nhà đất của hộ gia đình:

- Căn cứ kết quả xác định diện tích chịu thuế và mức thuế suất thuế đất ở của từng hộ nộp thuế tại Tờ khai tính thuế, Chi cục thuế có trách nhiệm tổ chức thu hồi Tờ khai và tính số thuế đất phải nộp trong năm của từng hộ gia đình trên Tờ khai, thực hiện lập sổ thuế nhà, đất của từng hộ trên địa bàn xã, phường. Tổng hợp sổ thuế đất của các hộ gia đình thành sổ thuế đất của xã, phường, thị trấn (mỗi hộ đứng tên trên 1 dòng tại sổ thuế đất của xã, phường, thị trấn).

Số thuế nhà đất phải nộp trong năm của hộ

=

Tổng diện tích đất chịu thuế của hộ (nhân)   x   Mức thuế suất thuế đất tương ứng hạng đất, vị trí đất của diện tích đất chịu thuế của hộ

 

- Đội thuế xã thực hiện niêm yết công khai sổ thuế đã lập trong thời hạn 20 ngày để các hộ nộp thuế biết và tham ý kiến khi họ thấy cần thiết.

- Xét duyệt sổ thuế nhà, đất của xã, phường:

Hết thời hạn niêm yết công khai sổ thuế, Đội thuế xã, phường thực hiện hoàn chỉnh sổ thuế nhà, đất của xã, phường và thông qua Hội đồng tư vấn thuế xã, phường (có xác nhận của UBND xã, phường) để trình Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện, quận xét duyệt sổ thuế.

- Để thực hiện lập sổ thuế nhà đất của xã, phường thuận lợi, chính xác, Đội thuế xã cần có trong tay sơ đồ chi tiết về nhà ở của từng hộ dân cư thuộc từng xóm, phố, từng cụm dân cư, tổ dân phố và có quan hệ mật thiết với cán bộ công an hộ khẩu xã, phường.

 

B- Thủ tục nộp thuế nhà đất

Căn cứ sổ thuế nhà đất của xã đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, căn cứ quyết định miễn, giảm thuế, căn cứ giá thóc thuế sử dụng đất nông nghiệp vụ cuối năm trước liền năm thu thuế nhà đất, UBND xã ra Thông báo thu nộp thuế nhà đất đến từng hộ nộp thuế.

1. Bước 1: Chuẩn bị tổ chức thu nộp thuế nhà đất:

Cục thuế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định các vấn đề sau:

Kế hoạch thu thuế đất của từng kỳ và cả năm (mỗi năm thu 2 kỳ: 30/4 và 31/10)

Giá thóc thu thuế đất (theo quy định nêu trên).

Thời hạn kỳ thu nộp thuế đất (quy định ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ thu nộp).

2. Bước 2: UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp tổ chức thực hiện việc thu thuế nhà đất thông qua các việc sau:

Chuẩn bị đầy đủ sổ sách, tài liệu, biên lai chứng từ liên quan đến việc thu nộp thuế đất sổ thuế đất năm thuế của hộ nộp thuế, sổ thanh toán thuế đất năm trước, quyển lưu Thông báo nộp thuế...

Phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng ở địa phương tuyên truyền vận động, phát động thi đua nộp thuế đất nhanh, gọn, an toàn, đúng pháp luật.

Trường hợp thu thuế qua Kho bạc Nhà nước thì cần phối hợp với cơ quan Kho bạc chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho việc thu thuế đất đạt kết quả cao.

Đội thuế xã giúp UBND xã viết và gửi trực tiếp Thông báo nộp thuế đất đến từng hộ nộp thuế theo Mẫu quy định của Tổng cục thuế trước kỳ thu thuế từ 10 đến 15 ngày. Thông báo nộp thuế phải ghi rõ các nội dung; thời gian nộp thuế, địa điểm nộp thuế, số thuế phải nộp trong kỳ (gốm số thuế phát sinh trong kỳ và số thuế nộp thiếu, thừa kỳ trước).

Khi nhận tiền thuế đất của hộ nộp thuế, cán bộ thu thuế (UNT) kiểm tra, đối chiếu lại Thông báo nộp thuế của hộ nộp thuế với các sổ sách, tài liệu thu thuế có liên quan và phải viết Biên lai thu thuế ngay trước mặt người nộp thuế. Biên lai thu thuế phải được ghi đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu đã in sẵn và phải có đầy đủ chữ ký của người nhận tiền và người nộp thuế. Biên lai thu thuế ghi thành 3 liên: liên 1 gửi cho cơ quan thuế, liên 2 cấp cho người nộp thuế, liên 3 lưu lại tại người thu thuế.

Cuối kỳ thu thuế, tiền thuế đã thu phải được kiểm tra, đối chiếu giữa số tiền thực thu với các bảng kê thu tiền và biên lai thuế và nộp ngay vào Kho bạc Nhà nước theo đúng chương, loại, khoản, hạng, mục để tránh hiện tượng tham ô, xâm tiêu tiền thuế. Qua kiểm tra, đối chiếu nếu phát hiện có sai sót, chênh lệch thì bộ phận thu thuế phải báo cáo ngay với UBND xã và Đội thuế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ở khu vực nông thôn có thể tổ chức thu thuế đất cùng thời điểm vụ thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, ở khu vực đô thị có thể thu theo định kỳ hàng năm theo quy định (kỳ 1: bắt đầu ngày 30 tháng 4, kỳ 2: bắt đầu ngày 31 tháng 10, mỗi kỳ thu nộp 50% số thuế phải nộp cả năm của hộ nộp thuế) hoặc có thể thu rải rác nhiều lần trong năm và thu cùng lúc với các khoản phải thu khác theo quy định của hộ gia đình ở xã, phường, thị trấn.

3. Bước 3: Cơ quan thuế hoặc Ủy nhiệm thu thực hiện thu thuế nhà đất:

- Căn cứ vào số thuế phải nộp ghi trong thông báo, đối tượng nộp thuế thực hiện việc nộp thuế tại nơi thu tiền thuế (theo hướng dẫn của Chi cục thuế).

- Khi thu nhận tiền thuế, người thu thuế (Kho bạc, Thuế vụ hay Ủy nhiệm thu) phải sử dụng Biên lai thuế nhà, đất do Bộ Tài chính phát hành, Biên lai thu thuế ghi thành 3 liên: liên 1 chuyển cho cơ quan Thuế, liên 2 cấp cho người nộp thuế, liên 3 lưu tại người thu thuế.

- Đối với đối tượng nộp thuế là tổ chức, có tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng đang thực hiện chế độ tự nộp thuế cho Nhà nước do Bộ Tài chính quy định thì có thể đến kỳ hạn nộp thuế do Chi cục thuế thông báo, chủ động làm giấy nộp tiền thuế đất vào Kho bạc Nhà nước.

- Thuế đất nộp vào Kho bạc Nhà nước quận, huyện nơi có đất chịu thuế, ghi theo Mục lục ngân sách quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

Cùng danh mục

Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy định về thu tiền thuê đất và thuê mặt nước

Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 46/2014/NĐ-CP Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Triển khai nghị định của Chính phủ về thu tiền thuê đất và sử dụng đất

Ngày 25/6/2014, tại Hà Nội, Cục Quản lý Công sản và Viện Chiến lược & chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Nghị định 45/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ về Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Thông tư số 76, 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính.