Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và cần thiết phải rà soát điều chỉnh lại mức thuế suất đối với một số loại tài nguyên. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về Biểu mức thuế suất tài nguyên. Theo đó, thuế khoáng sản sẽ tăng lên đáng kể và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 508,6 tỉ đồng/năm.
Bộc lộ nhiều bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thuế tài nguyên là một trong những công cụ về tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, do đó cần thiết phải rà soát điều chỉnh lại cho hợp lý.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12, về cơ bản các quy định về mức thuế suất thuế tài nguyên đã đạt mục tiêu đề ra. Về số thu ngân sách, số thu thuế tài nguyên qua các năm 2009, 2010, 2011 và 2012 lần lượt là 19.392 tỷ đồng, 26.014 tỷ đồng, 39.299 tỷ đồng và 41.313 tỷ đồng.
Hiện nay, nước ta có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 960,6 triệu tấn, trong đó trữ lượng đã thăm dò đạt 760,6 triệu tấn. Sản lượng khai thác các năm gần đây bình quân khoảng 3,5 triệu tấn tinh quặng/năm. Bên cạnh đó, việc khai thác và xuất khẩu titan chủ yếu là ở dạng thô (quặng ilmenit, rutile tự nhiên và bột Zircon), hiệu quả chưa cao và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổng trữ lượng vàng nước ta khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên và để lại hậu quả lớn, khó khắc phục về mặt môi trường, xã hội. Ngoài ra, do sản lượng khai thác vàng rất khó quản lý nên gây thất thu cho ngân sách nhà nước rất lớn.
Đảm bảo hài hòa lợi ích chung
Bộ Tài chính cho biết, cùng với công tác quản lý chặt chẽ tài nguyên, hạn mức cấp phép khai mỏ... mục tiêu của việc tăng thuế là nhằm thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, bảo vệ nguồn tài nguyên để phục vụ sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế suất khai thác quặng cũng nhằm mục tiêu khuyến khích các DN khai thác đầu tư công nghệ tiên tiến chế biến sâu tinh các mỏ quặng xuất khẩu, làm gia tăng giá trị và lợi nhuận của DN.
Theo đó, Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên hiện nay thì nhóm khoáng sản kim loại bao gồm 13 loại, với 4 mức thuế suất là 10%, 11%, 12% và 15%. Trong dự thảo Nghị quyết về Biểu mức thuế suất tài nguyên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung thuế suất mặt hàng sắt lên 7-20%, từ mức thuế suất hiện hành là 10%, mặt hàng là 7-20% từ mức thuế suất hiện hành là 11%, tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng từ 15% lên mức kịch trần 25%... Dự kiến sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 508,6 tỉ đồng/năm.
Dự thảo Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều cơ quan và các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý các DN khai thác khoáng sản hiện nay còn vẫn còn lỏng lẻo, vẫn còn nhiều DN khai thác lậu để trốn thuế, khai gian thuế thu nhập doanh nghiệp để không đóng thuế môi trường, gây thiệt hại trực tiếp đối với địa phương và người dân vùng có mỏ.
Chính vì vậy, để Nghị quyết trên thực sự đạt được hiệu quả mong muốn, cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, phát hiện và xử phạt nghiêm các vụ việc khai thác lậu, xuất khẩu lậu khoáng sản.