Sáng 24/4, tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào tháng 5 tới.
Tại phiên họp, những quy định liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu cũng đã gây nhiều băn khoăn. Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động theo hướng từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từng bước thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng, đảm bảo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thuộc các thành phần kinh tế, góp phần đảm bảo cân đối quỹ trong dài hạn và giảm dần sự chênh lệch về giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 tức là sau 15 năm, tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi; đến năm 2022, sau 6 năm, tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, lao động làm trong các khu vực da giày, dệt may, cao su, họ không thể đủ sức làm việc đến độ tuổi này và quy định cứng cho toàn bộ đối tượng người lao động đều phải kéo dài tuổi hưu sẽ là mâu thuẫn với Bộ Luật Lao động.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu cho rằng đã đến lúc bắt buộc phải tính toán cho quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư. Tuy nhiên, việc sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu và tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì người lao động muốn được hưởng 75% lương phải mất 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong khi hiện nay chỉ là 25 năm.
Với đối tượng là công chức, có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu lên 60-62 tuổi. Với các nhóm đối tượng khác, đại biểu không khỏi băn khoăn bởi không phải đối tượng nào cũng được hưởng chế độ độc hại, phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, họ không thể làm việc được đến 60-62 tuổi, trong khi không đạt được độ tuổi này, họ bị tụt tới 2% mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước những quan ngại về tình trạng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2030, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã khuyến cáo Việt Nam hai vấn đề: nâng thêm tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội phải dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu.
Ông Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi tại sao ban soạn thảo chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà không nghĩ đến việc rất quan trọng để tăng tiền quỹ bảo hiểm xã hội là đóng trên lương.
Các ý kiến đề nghị có nhiều cách bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng như giảm tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng. Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được khởi kiện và quyền được yêu cầu tổ chức công đoàn khởi kiện của người lao động để bảo đảm quyền lợi cho họ vì nhiều nơi có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động hình thức, không hiệu quả, không bảo vệ quyền lợi của người lao động, người lao động ở khu vực phi chính thức không có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo vietnamplus.vn