Lại bàn về mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp công

04/02/2022

Hơn 20 năm tính từ ngày 1/4/1993 đến nay, Chính phủ đã 13 lần quyết định mức lương tối thiểu, trong đó có mức lương tối thiểu của khu vực hành chính sự nghiệp công (HCSNC).

Diễn biến của tình hình

Từ năm 1993 đến hết năm 2007 (15 năm), mức lương tối thiểu giữa các khu vực HCSNC, sản xuất kinh doanh và dịch vụ (gọi tắt là khu vực lao động thị trường) đều như nhau và tiến triển từ 120.000 đồng/tháng (năm 1993) lên 450.000 đồng/tháng (năm 2007).

Bắt đầu từ năm 2008 có sự phân biệt: khu vực lao động thị trường thì phân biệt theo 4 vùng và theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI); khu vực HCSNC có sự phân biệt là được áp dụng mức lương tối thiểu thấp nhất trong 8 mức lương tối thiểu theo Nghị định số 166, 167 và 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ:<

>

So với mức cao nhất là 1.000.000 đồng thì mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC chỉ bằng 54%.

Sang năm 2009, theo Nghị định 110 và 111/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008, Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 của Chính phủ, trong 8 mức lương tối thiểu thì mức cao nhất là 1.200.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 650.000 đồng/tháng, đó là mức của các doanh nghiệp trong nước tọa lạc ở vùng IV, đồng thời cũng là mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC; so với mức cao nhất cũng chỉ bằng 54,1%.

Tình hình này tiếp tục được kéo sang năm 2010 theo Nghị định số 97 và 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009, Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25/3/2010 của Chính phủ. Trong 8 mức lương tối thiểu thì mức cao nhất là 1.340.000 đồng/tháng. Mức thấp nhất là 730.000 đồng/tháng, đó là mức của các doanh nghiệp trong nước thuộc vùng IV, cũng là mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC; so với mức cao nhất thì chỉ bằng 54,4%.

Từ năm 2011 trở đi, trong khu vực lao động thị trường không còn phân biệt các loại hình doanh nghiệp (trong nước, ngoài nước, FDI) nữa, do đó chỉ còn mức lương tối thiểu cho 4 vùng. Theo Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ và được áp dụng từ ngày 1/1/2011 thì mức lương tối thiểu vùng I là 1.350.000 đồng/tháng; vùng II là 1.200.000 đồng; vùng III là 1.050.000 đồng; vùng IV là 830.000 đồng/tháng, đồng thời cũng là mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC và gần bằng 61,5% so với mức cao nhất nói trên.

Đến ngày 1/10/2011 theo Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ, khu vực lao động thị trường được điều chỉnh và áp dụng mức lương tối thiểu theo mức mới, thứ tự các vùng I, II, III, IV là 2.000.000 đồng/tháng; 1.780.000 đồng; 1.550.000 đồng và 1.400.000 đồng/tháng. Còn khu vực HCSNC thì vẫn được giữ nguyên 830.000 đồng/tháng. Lúc này so sánh mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC với mức lương tối thiểu vùng I thì chỉ bằng 41,5%, tình trạng này được kéo dài cho đến tháng 5 năm 2012.

Sang năm 2013, mức lương tối thiểu vùng của lao động khu vực thị trường được áp dụng từ ngày 1/1/2013 theo Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 4.12.2012 của Chính phủ, lần lượt theo 4 vùng với mức: 2.350.000 đồng/tháng, 2.100.000 đồng, 1.800.000 đồng và 1.650.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC vẫn như cũ 830.000 đồng/tháng.

Như vậy trong 3 năm 9 tháng, khu vực HCSNC phải chịu áp dụng mức lương tối thiểu thấp nhất trong tất cả các mức lương tối thiểu.

Ngày 12/4/2012 Chính phủ ra Nghị định số 31/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng (thực chất đây là mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC) và mãi tới ngày 1/5/2012 mới được áp dụng. So sánh mức lương tối thiểu chung (cũng là mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC) với mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường ở 4 vùng thì chỉ bằng 44,68% mức lương tối thiểu của vùng I; bằng 50% của vùng II; bằng 58,33% của vùng III và bằng 63,63% của vùng IV.

Ngày 27/6/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2013/ NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.150.000 đồng/tháng và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2013. Ở đây chưa bàn về khái niệm “mức lương tối thiểu” được thay bằng “mức lương cơ sở” mà chỉ biết rằng mức để nhân với hệ số lương của mỗi người trước đó là 1.050.000 đồng, nay là 1.150.000 đồng. Tuy có tăng thêm 100.000 đồng nhưng so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực lao động thị trường thì cũng chỉ bằng 48,9% khu vực I; bằng 54,7% khu vực II; bằng 63,8% khu vực III và gần bằng 69,7% khu vực IV.

Vậy là từ tháng 4/1993 đến giữa tháng 8/2013, mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC từ chỗ bằng mức lương tối thiểu chung, hạ xuống bằng mức lương tối thiểu thấp nhất trong các mức lương tối thiểu, rồi tuột dốc tụt xuống chỉ còn bằng từ 48,9% đến gần 69% so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực lao động thị trường. Đến thời đoạn này, mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng chỉ còn áp dụng cho khu vực HCSNC và lực lượng vũ trang. Vậy là “tự nhiên” mà hình thành mức lương tối thiểu riêng cho khu vực này- HCSNC!

Thấy gì về sự diễn biến trên

Mức độ bất hợp lý trong mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC ngày càng “trầm trọng” hơn. Ở giai đoạn đầu cùng áp dụng một mức lương tối thiểu chung cho mọi loại lao động ở mọi khu vực thì người ta đã đánh đồng lao động khu vực HCSNC (tuyệt đại đa số là lao động trí tuệ-chất xám-trí thức được đào tạo có trình độ cao đẳng, đại học trở lên) với Lao động khu vực thị trường (là khu vực lao động phổ thông hoặc chỉ được đào tạo ngắn ngày). 

Bước sang giai đoạn thực hiện mức lương tối thiểu vùng thì lao động khu vực HCSNC (trí tuệ-chất xám-trí thức) chỉ được áp dụng mức lương tối thiểu thấp nhất là vùng IV, trong khi phần lớn lao động khu vực HCSN làm việc ở vùng I (các thành phố, thị xã, thị trấn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...). Và đến bây giờ thì mức lương tối thiểu của lao động khu vực HCSNC (trí tuệ-chất xám-trí thức-quản lý nhà nước) chỉ còn bằng trên dưới 60% mức lương tối thiểu của lao động phổ thông hoặc lao động tay nghề thấp-lao động khu vực thị trường!

Trong vô vàn lý do của hiện tượng cán bộ, công chức làm việc theo cung cách “sáng cắp ô đi, tối cắp về”; và như khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tiến hành trên gần 2.000 cán bộ, công chức ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành trong năm 2012 với kết quả có 79% cán bộ, công chức có khoản thu nhập khác ngoài lương thì không thể không nói đến nguyên nhân căn bản là  chính sách tiền lương thấp kém (nếu không muốn nói là “rẻ rúng”) đối với khu vực HCSNC. 

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội ngày 12/4/2013 tại Hội thảo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường (được thực hiện từ ngày 1/1/2013) cũng chỉ bảo đảm được từ 62 đến 69% mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu như vậy thì lao động khu vực HCSNC chỉ mới bảo đảm được từ 36 đến 41% mức sống tối thiểu. Dù thế nào thì con người ta vẫn phải sống; quá nửa mức sống tối thiểu không được bảo đảm là lý do, là nguyên nhân chủ yếu của 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và như Thanh tra Chính phủ đã nhấn đậm, “trong đó nhiều khoản thu nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực”.

Các nhà hoạch định chính sách tiền lương khu vực HCSNC nói riêng, Chính phủ nói chung chắc chắn phải tường tận nghịch lý đến kỳ lạ này, vì các con số định lượng tại các Nghi định của Chính phủ về mức lương tối thiểu là khá cụ thể, rõ ràng và do chính cơ quan chức năng tính toán và Chính phủ quyết định, nhưng tại sao tình trạng “phú quý giật lùi” này lại được duy trì “kiên định” như thế? Chúng ta thừa nhận trong đội ngũ cán bộ, công chức có những kẻ yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức sa sút, song không phải là tất cả; còn nhiều người tài, đức, chí thú với công việc. 

Bởi thế Đảng ta mới đánh giá một cách quyết đoán rằng, “Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa X). Câu hỏi trên xin để các nhà xây dựng chính sách tiền lương khu vực HCSNC và Chính phủ giải đáp thì mới thấu lý, đạt tình.

Đề nghị

Dù muốn hay không, mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC cũng đã “tự nhiên” hình thành. Chỉ có điều “đáng buồn” là nó ngày càng đi xuống, ngược chiều với mong muốn cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, góp phần giữ gìn sự trong sạch, sáng sủa của họ. Mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC đã hiển nhiên tồn tại thì tất yếu phải được xác định tương đối đúng đắn “giá trị” của nó và phải được thực thi nghiêm túc.

Muốn vậy, ngoài việc xác định mức sống tối thiểu thông qua “rổ hàng hóa” thiết yếu và “Gói dịch vụ” cần thiết (phi hàng hóa) để tính ra mức lương tối thiểu thì rất cần thiết phải tính đến những đặc điểm khách quan, có tính “nguyên tắc” của lao động khu vực HCSNC; theo chúng tôi có thể đề cập đến các đặc điểm sau:

Thứ nhất, lao động của khu vực HCSNC là loại lao động phức tạp, như đã biết “... trong cùng một thời gian, lao động phức tạp đem lại hiệu quả nhiều hơn lao động giản đơn. Do đó tùy theo mức độ của lao động phức tạp cao hay thấp mà quy thành một bội số của lao động giản đơn” (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, trang 644).

Thứ hai, lao động khu vực HCSNC là lao động trí óc. Như đã biết “Lao động trí óc và lao động chân tay vẫn còn có những khác biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, về điều kiện lao động, về mức sống, về trình độ văn hóa và trình độ phát triển trí tuệ cá nhân” (Sách đã dẫn, cùng trang 644).

Thứ ba, rất nhiều các nhà quản lý, lãnh đạo, các nhà khoa học, các phóng viên báo chí, các chuyên viên... không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà họ còn tác nghiệp ngoài giờ bất kỳ ở đâu, bất kể lúc nào công việc dồn đến hoặc bất chợt lóe lên những suy nghĩ mới trong công việc của họ.

Thứ tư, địa điểm làm việc của lao động khu vực HCSNC tuyệt đại bộ phận ở các thị trấn, thị xã, thành phố, tức là phần lớn cán bộ, công chức có nơi làm việc ở vùng I, vùng II.

Từ cách tính mức lương tối thiểu và từ những đặc điểm trên ta có thể rút ra, mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức khu vực HCSNC về nguyên tắc cơ bản là phải cao hơn mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường và cấp bách phải được tính toán, quy định lại. Để bảo đảm công bằng, hợp lý thì cần thiết cũng nên phân chia mức lương tối thiểu vùng cho khu vực HCSNC, vì chỉ số giá tiêu dùng và kể cả các yếu tố khí hậu, môi trườâng, điều kiện sinh sống trên cùng một vùng lãnh thổ... các yếu tố đó chi phối đến cuộc sống của tất cả mọi người trong vùng, không phân biệt lao động khu vực thị trường hay lao động khu vực HCSNC.

Như trên đã dẫn, tùy theo mức độ của lao động phức tạp cao hay thấp mà quy thành một bội số của lao động giản đơn. Việc quy định mức lương tối thiểu của khu vực HCSNC cao hơn 2 hoặc 3 lần hay cao hơn nữa so với mức lương tối thiểu của lao đông khu vực thị trường đòi hỏi phải có sự tính toán chi tiết, công phu, chúng ta sẽ tiếp tục tính toán. 

Trước mắt chưa có đòi hỏi gì lớn lao, cao cả mà chỉ xin có một đề nghị “hết sức khiêm nhường” (mặc dù phải chấp nhận sự tồn tại dồn nén nhiều bất hợp lý của 20 năm qua), đó là cán bộ, công chức khu vực HCSNC phải được áp dụng trở lại mức lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường như 15 năm xưa (1993-2007). Nghĩa là 2.350.000 đồng/tháng đối với cán bộ công chức HCSNC làm việc ở vùng I; tương tự, cán bộ, công chức làm việc ở các khu vực II, III và IV là 2.100.000 đồng/tháng; 1.800.000 đồng/tháng và 1.650.000 đồng/tháng. Các mức lương tối thiểu trên nhân (X) với hệ số lương của mỗi người sẽ là mức lương danh nghĩa của người đó. Đã sa sút thì trước hết phải khôi phục cho bằng ngày xưa, sau đó sẽ tiếp tục từng bước đi lên, trả lại cho đúng “chân giá trị” thực của lao động trí tuệ, âu đó cũng là lẽ thường tình, là “đạo lý” của sự công bằng.

<

>

Theo daibieunhandan.vn

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.