Số nợ bao nhiêu được coi là lâm vào tình trạng phá sản?

11/01/2022

Bàn về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), hầu hết các ý kiến trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 13-9 đều cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động phá sản là hết sức bình thường, có đăng ký kinh doanh thì có thủ tục phá sản, phá sản không được mới là không bình thường.

Trả lời thắc mắc của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, về việc căn cứ vào đâu để đưa ra tiêu chí xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản và nếu Luật Phá sản không vướng mắc thì số DN phá sản có lớn hơn con số hiện tại hay không, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đã có giải trình.

Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn,  Điều 3 dự án Luật quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Ban soạn thảo quy định như trên để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX có khoảng thời gian nhất định để thanh toán nợ.

 

Việc phá sản DNNN, các ý kiến đều thống nhất cho rằng không nên có sự phân biệt giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác, các DNNN nếu không có khả năng thanh toán vẫn phải mở thủ tục phá sản như các DN khác.

Theo Ủy ban Kinh tế của QH, nếu quy định một chương riêng với nội hàm như trên sẽ dẫn tới, và thực tế có tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì DN kém hiệu quả, phản ánh không trung thực thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

“Khoản nợ phải xác định có giá trị tài sản, nếu khoản nợ không xác định giá trị tài sản như cũ thì khó. Nên phải đưa ra ở mức độ nhất định và thời gian để tạo điều kiện cho các bên xử lý các khoản nợ. Luật cũ không quy định thời hạn, Luật này có quy định thời gian cụ thể chủ yếu muốn các bên thương lượng giải quyết với nhau, tránh tranh chấp và có thể rút yêu cầu phá sản”, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho hay.

 

Cũng đồng ý cần phải quy định rõ tiêu chí và căn cứ để xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, nhưng Thường trực Ủy ban Kinh tế- cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở xác định khi đưa ra các tiêu chí trên nhất là hạn mức 200 triệu đồng. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu, bổ sung tiêu chí về báo cáo tài chính hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian gần nhất của doanh nghiệp được tổ chức có thẩm quyền kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng quy định con số 200 triệu là “nực cười”. Bởi theo ông, tiêu chí này là cực kỳ quan trọng và mấu chốt, là cái gốc của Luật này. Nhưng quy định số tiền 200 triệu áp cho tất cả các DN như nhau là không phù hợp. Bởi có DN có vốn đăng ký kinh doanh vài trăm triệu đồng, nhưng có DN vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì số tiền nợ 200 triệu trong vòng 3 tháng không thấm tháp vào đâu.

Có chăng, theo ông Hiện, nên quy định dựa vào vốn của DN. Tổng nợ không trả được đến hạn phải so với phần trăm của vốn đăng ký kinh doanh của DN.

Tỏ ra không đồng tình với tiêu chí này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Không chỉ món nợ 200 triệu là bảo phá sản được. Phải là các khoản nợ mất khả năng thanh toán mới bị coi là phá sản. Có những DN số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu vẫn chưa phá sản, nên khái niệm phá sản này quá đơn giản và không thực tế. Nên chăng quy định tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu, có thể 2-3 lần, thời gian 3 tháng là ngắn quá, 6 tháng chưa phải là ghê gớm”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại đồng ý với phương án do Chính phủ trình. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đến yếu tố “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên”, bởi khi không có khả năng thanh toán một khoản nợ như vậy thì có nghĩa DN cũng đã đến gần bờ vực phá sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc đến một số nội dung liên quan đến “hậu phá sản”, liên quan đến đời sống và quyền lợi của người lao động sau khi DN phá sản… là những điều cần phải tính đến trong Luật. Bởi vì, theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, mục tiêu của Luật là “giải quyết khó khăn và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng quy định như vậy là phù hợp với nền kinh tế thị trường, ngân hàng chính là thước đo chính xác nhất, khi DN không có khả năng thanh toán đến 200 triệu đồng thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản là phù hợp. Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, DN tuyên bố phá sản còn có cơ hội lấy được khoản nợ. Vai trò của Tòa án chỉ đứng ra đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền lợi của cả con nợ và chủ nợ.

Phát biểu tranh luận và tỏ ra không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu quy định như trên thì chỉ dễ cho cơ quan tòa án chứ không đúng trong thực tiễn. Nhắc lại một lần nữa, ông Hiển cho rằng, nếu quy định như trên thì hiện có đến 90% DN nằm trong diện lâm vào tình trạng phá sản.

Tổng kết thi hành Luật Phá sản năm 2004 cho thấy, sau 9 năm thực hiện, Tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó Toà án quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản).

Năm 2012 đăng ký 69.874 doanh nghiệp, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể).

 

Theo Baohaiquan.vn

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.