Những quy định mới về điều kiện doanh nghiệp ưu tiên

21/12/2021

Những quy định mới về điều kiện doanh nghiệp ưu tiên (DNƯT) trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vừa được Tổng cục Hải quan phổ biến, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Đây là những nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư 86/2013/TT-BTC (có hiệu lực kể từ giữa tháng 8/2013) thay thế Thông tư 63/2011/TT-BTC áp dụng thí điểm chương trình DNƯT.

Cụ thể, Thông tư 63 và Thông tư 105 quy định mức kim ngạch là 350 triệu USD/năm đối với DNƯT loại 1 và 70 triệu USD/năm đối với DNƯT loại 2. Tại Thông tư 86, quy định kim ngạch đối với DNƯT loại 1 tối thiểu đạt 200 triệu USD/năm; tương ứng với loại 2 là tối thiểu đạt 50 triệu USD/năm; không xét kim ngạch đối với DNƯT loại 3 (DN công nghệ cao).

Bà Lê Thu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Thông tư 86 quy định rút ngắn thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của DN là 24 tháng  thay vì 36 tháng như Thông tư 63, phù hợp với thời hiệu xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 97/2007/NĐ-CP.

Cơ quan quản lý nhà nước đánh giá tuân thủ pháp luật của DN được rút gọn, chỉ còn 2 cơ quan tham gia là cơ quan hải quan và cơ quan thuế nội địa. Thời hạn DN được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu là 36 tháng. Sau thời hạn này Tổng cục Hải quan sẽ xem xét đánh giá lại, nếu DN vẫn đáp ứng đủ điều kiện, căn cứ vào mức độ tôn thủ pháp luật, sẽ tiếp tục được gia hạn từ 36 đến 60 tháng…

Bên cạnh đó, DNƯT được hưởng nhiều lợi thế khi được cơ quan nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục XNK, thủ tục thuế. DNƯT được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm), trong khâu thông quan. Trong thời gian DN được hưởng chế độ ưu tiên, cơ quan hải quan không thực hiện kiểm tra sau thông quan (trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng).

Ngoài ra, DNƯT còn được ưu tiên các thủ tục về thuế, được áp dụng chế độ tự thanh khoản, hoàn thuế trước, kiểm tra sau. DN không phải nộp tiền chậm nộp, không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan về thuế đối với các trường hợp bị ấn định về thuế do mã số hàng hóa đã được cơ quan hải quan thống nhất, thẩm định trước đó không đúng và DN vẫn được coi là tuân thủ pháp luật.

Dự kiến đến năm 2020, có gần 100 DN có thể được công nhận DNƯT. Số lượng này phù hợp với các điều kiện của cơ quan hải quan. Bên cạnh đó vẫn đáp ứng được yêu cầu là khuyến khích các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, nhất là các DN xuất khẩu nông, thủy sản, dệt may, da giầy.

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.