Nền kinh tế chưa phục hồi, sức mua giảm sút đang làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh sản xuất đình trệ, nợ đọng, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản và giải thể. Song do Luật Phá sản có những quy định khiến các đơn vị khó tự giải thoát khỏi tình cảnh này.
Theo số liệu được các cơ quan chức năng công bố, thì trong các tháng đầu năm 2013, bên cạnh việc có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thì số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cũng không thấp. Điều cần quan tâm là, số doanh nghiệp phá sản (đã hoàn thành thủ tục phá sản), ngừng hoạt động (đăng ký tạm thời đóng mã số thuế với cơ quan thuế) theo các báo cáo thống kê chính thức chỉ là phần nổi phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Còn trên thực tế, số lượng doanh nghiệp thực sự khó khăn, đã tạm ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất, không có thu nhập chịu thuế (hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ) còn lớn hơn rất nhiều.
Khó khăn của doanh nghiệp thể hiện không chỉ trong con số nợ lớn, mà có thể thấy ở việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử bắt buộc giảm giá 20 - 50% cho từng sản phẩm, giảm giá thêm cho khách hàng mua online, vận chuyển miễn phí dù khoảng cách xa, chấp nhận lãi ít hoặc bù lỗ phần nào... Điều đáng lo hơn là nhiều doanh nghiệp đã không chọn phương án nộp đơn xin phá sản mà chỉ đợi làm thủ tục giải thể. Trong số hơn 15.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay thì chỉ có 2.000 doanh nghiệp được làm thủ tục phá sản, còn tới 13.000 doanh nghiệp giải thể. Như vậy, số lượng doanh nghiệp phá sản thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp giải thể. Lý giải hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các quy định chặt chẽ của Luật Phá sản buộc doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều thủ tục mới có thể được công nhận tình trạng phá sản, chưa kể những ràng buộc với chủ khiến họ ngại thực hiện thủ tục.
Con số thống kê về số doanh nghiệp phá sản, giải thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Phần chìm là hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang sống mà thực chết, đang chờ phá sản. Doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân mất việc bị đẩy ra đường và kéo theo những bất ổn về mặt kinh tế - xã hội. Vòng quay của sự phá sản doanh nghiệp sẽ còn đè lên nhiều đơn vị khác. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nằm trong tình trạng này, thậm chí tỷ lệ còn cao hơn. Bởi lẽ, những doanh nghiệp này có yếu thế về năng lực cạnh tranh, nếu không có chính sách ưu đãi sẽ dễ lâm vào tình trạng phá sản. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ không được giải quyết về vốn, xử lý nợ xấu, nợ quá hạn thì khả năng phá sản sẽ nhanh hơn và nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp không làm được thủ tục phá sản sẽ gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như: tắc nghẽn dòng vốn, người lao động mất việc, thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thế giới - Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho rằng, cần tìm giải pháp cho tình trạng này để đổi mới nền kinh tế. Bởi phá sản là hoạt động hết sức bình thường trong một nền kinh tế, không nên sợ về vấn đề phá sản. Doanh nghiệp không đủ khả năng tồn tại trong môi trường, thời điểm đó sẽ phải phá sản. Nếu doanh nghiệp được phá sản thì tài sản của đơn vị có thể chuyển sang nhà đầu tư khác, hoặc sang khu vực khác hoạt động hiệu quả hơn, tạo nên sự đổi mới trong nền kinh tế.
Khi nền kinh tế còn chưa có dấu hiệu phục hồi thì tình trạng doanh nghiệp chờ phá sản, giải thể sẽ còn tiếp diễn. Để giúp doanh nghiệp đứng dậy được trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tự đổi mới, tự sắp xếp lại kinh doanh cho hiệu quả hơn thì rất cần mổ xẻ căn nguyên của tình trạng này và tìm ra những giải pháp hữu hiệu.
Đại biểu nhân dân