Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế

12/10/2021

Dễ bị làm giả, làm nhái

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại), trong hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, thương hiệu là yếu tố sống còn của một ngành, doanh nghiệp hay địa phương. Nhiều doanh nghiệp và địa phương có ý thức bảo hộ và phát triển uy tín cho thương hiệu và có kết quả đáng khích lệ.

Nhưng thực tế, là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới, gạo Việt Nam vẫn không có được tiếng tăm như gạo Thái Lan. Phần lớn, thương hiệu Việt Nam không hề tồn tại ở nước ngoài. Không có thương hiệu nên lương thực, trái cây Việt Nam chịu nhiều thua thiệt trên thương trường quốc tế như bị ép giá, xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp... Chưa kể, hầu như các sản phẩm nổi tiếng liên quan đến nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý đều dễ bị làm giả, làm nhái.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhìn nhận, dù các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, nhưng vẫn chưa có những thương hiệu mạnh mang tầm cỡ cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

Yêu cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản này gắn với đặc thù vùng, miền, chỉ dẫn địa lý, gắn với các doanh nghiệp đủ mạnh, uy tín, yêu cầu liên kết vùng, liên kết bốn nhà... đã được đặt ra thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa như mong muốn.

“Một chiến lược thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các sản phẩm cá tra, tôm, các loại cây ăn trái đặc sản trong vùng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế đang trở thành đòi hỏi bức bách”, ông Xuân nói.

Xuất phát từ doanh nghiệp

Ông Xuân cho rằng, để xây dựng thương hiệu vùng đồng bằng sông Cửu Long các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản… điều đầu tiên phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp là “mắt xích” cuối cùng trong chuỗi đầu ra của xuất khẩu gạo, hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.

Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Bên cạnh đó, cần giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ và tăng cường liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Cũng theo ông Xuân, cần định danh rõ ràng từng thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước. Việc xây dựng một nhãn hiệu chung các mặt hàng nông sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long sẽ là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả trong nước.

Còn theo ông Thịnh, chúng ta có rất nhiều tiềm năng, có thế mạnh riêng về nhóm sản phẩm, cơ hội thu hút đầu tư và cơ hội phát triển kinh tế. Do vậy, Chương trình Thương hiệu Quốc gia cần định hướng phát triển thương hiệu vùng miền. Tuy nhiên, thương hiệu vùng miền mới chỉ được đề cập đến ở một khía cạnh xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Ban thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, việc xây dựng thương hiệu vùng miền được nhận thức là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương, qua đó, giúp nâng cao mức sống của địa phương.

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.