>Việc duy trì mức lãi suất 0,5% (được Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng từ ngày 2/5) nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế đang lan rộng ở châu Âu.<
>Tại cuộc họp định kỳ tháng diễn ra ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,5%, mức thấp nhất kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào sử dụng năm 2000.
Ngoài lãi suất cơ bản, ECB cũng quyết định duy trì lãi suất tiền gửi và lãi suất vay lần lượt là 0% và 1%.
ECB cũng điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro, cụ thể tăng trưởng GDP năm nay sẽ giảm 0,6% và có thể đạt tăng trưởng 1,1% vào năm 2014.
Theo Hội đồng điều hành ECB, việc duy trì mức lãi suất 0,5% (được ECB áp dụng từ ngày 2/5) nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế đang lan rộng ở châu Âu.
Cùng ngày, tại cuộc họp Ủy ban chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định không bơm thêm tiền cho Chương trình nới lỏng định lượng (QE), đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%.
Thời gian qua, nhiều nước tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 9/5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) quyết định giảm lãi suất khi tiền yên giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu và nợ hộ gia đình, kéo theo tiêu thụ giảm.
Ngày 8/5, Ngân hàng Trung ương New Zealand cho biết sẽ can thiệp thị trường ngoại hối để ghìm đà tăng của ngoại tệ trước ảnh hưởng của dòng tiền nóng từ bên ngoài chảy vào.
Trong cuộc họp ngày 3/5, tại Ấn Độ, các nước ASEAN+3 (gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) đã nhất trí tiếp tục theo dõi chặt chẽ những tác động tiêu cực đối với khu vực bắt nguồn từ các chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu.
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp của ASEAN+3 nhấn mạnh những nước này “đều nhận thức được rằng việc tiếp tục tăng cường khả năng thanh khoản toàn cầu có thể gây ra tình trạng đầu tư mạo hiểm, đầu cơ vay nợ, mở rộng tín dụng và bong bóng tài sản”.