Gỡ bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

04/10/2021

Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép trước ngày 1/7/2006 sẽ được gỡ bỏ. Việc sửa đổi Điều 170 không chỉ để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mà còn tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Vấn đề gỡ bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đưa ra là bởi hiện còn gần 50% doanh nghiệp FDI đang đầu tư ở nước ta chưa thực hiện việc này. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến ngày 31/5/2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp FDI trên cả nước chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong đó, có 41 doanh nghiệp sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các doanh nghiệp chưa hết thời hạn hoạt động nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp này là 18,5 tỷ USD, sử dụng 446.000 lao động. Phần lớn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Doanh nghiệp FDI chưa thực hiện đăng ký lại là bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, họ vẫn có thể được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư. Do đó, nếu đơn vị nào muốn duy trì mô hình hoạt động, phương thức quản lý đã tồn tại ổn định thì sẽ không thực hiện đăng ký lại. Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại cũng do không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục này.<

>

Như vậy, việc đăng ký lại hoặc không đăng ký lại sẽ do doanh nghiệp chủ động quyết định. Tuy nhiên, việc không đăng ký lại này làm phát sinh một số khó khăn với những đơn vị này, cũng như công tác quản lý Nhà nước. Đối với doanh nghiệp thì có thể thấy, trước năm 2003 giấy phép đầu tư quy định thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp FDI phổ biến là 20 năm. 

Sau thời gian này, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư, thì sẽ phải thực hiện thủ tục giải thể, đăng ký giấy phép đầu tư mới. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không nhận được sự bảo hộ của pháp luật đối với các giao dịch kinh doanh trong thời gian thực hiện các thủ tục này. Bên cạnh đó, theo Điều 170 thì, những doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại sẽ không được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh khác với ngành nghề đã được quy định tại giấy phép đầu tư. 

Vì thế, nếu doanh nghiệp muốn thực hiện dự án mới hoặc mở rộng sang các lĩnh vực đang có nhiều ưu đãi đầu tư sẽ không thực hiện được. Hay doanh nghiệp cũng không thể thực hiện cơ cấu hoạt động, điều chỉnh ngành nghề kinh doanh trước khó khăn do sức mua sản phẩm, dịch vụ thấp.

Theo Tờ trình dự án Luật của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ta. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện, thì rất cần xem xét sửa đổi Điều 170.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp sau khi đã gia hạn một lần thời hạn đăng ký lại vào năm 2009 đã không thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật. Và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, nên không cần thiết phải sửa đổi trước Điều 170. 

Song, dự án Luật sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp với nội dung đơn giản, có đầy đủ căn cứ từ thực tế nên có thể xem xét, thông qua trong một kỳ họp theo thủ tục rút gọn. Việc này cũng giúp doanh nghiệp FDI muốn tiếp tục hoạt động tại nước ta hay điều chỉnh hoạt động kinh doanh không gặp khó khăn. 

Điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn sẽ là một yếu tố có sức thu hút với doanh nghiệp nước ngoài khi xem xét đầu tư vào nước ta. Là việc có thể làm ngay để góp phần tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp FDI, cũng như mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước ta, thì không lý gì không thực hiện.

<

>

Theo Đại Biểu Nhân dân

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.