Những ngày qua, tổ chức “rửa tiền” Liberty Severse đã xuất hiện tại Việt Nam gây hoang mang dư luận. Theo một số chuyên gia, hành vi “rửa tiền” tại Việt Nam khá dễ nên thông qua tổ chức Liberty Severse là không cần thiết.
Chiêu trò "phù phép"
Nói ví von về hành vi rửa tiền, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng, công việc rửa tiền giống như giặt áo quần. Nếu giặt một lần không sạch, thì giặt nhiều lần mới có thể sạch. Rửa tiền là hành vi không dễ nhưng bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng là cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc “tiền bẩn” ban đầu.
Nhiều người nghĩ đơn giản, thông qua xổ số thì quá thô sơ. Rửa tiền có kỹ thuật ở đây phải biến báo cho dòng tiền chạy từ quốc gia này sang quốc gia kia, từ hàng hóa nọ sang hàng hóa kia và từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia nhưng thường phải qua biên giới. Những dòng tiền bẩn sẽ được biến thành những loại hàng hóa ở vùng biên giới và ở những nước có sự quản lý lỏng lẻo thì “tiền bẩn” mới có thể trở thành “tiền sạch”.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương phân tích, cách thức rửa tiền cũng có nhiều dạng, tùy theo “độ hở” của chính sách tại các quốc gia. Ví dụ, “độ hở” trong ngân hàng, trong chuyển tiền, trong đầu tư nước ngoài, trong quá trình kinh doanh mua bán đất động sản. Nguyên tắc của việc “rửa tiền” là phải chuyển qua nhiều quốc gia khác và nhiều lần nhằm hợp thức hóa nguồn tiền để trở nên sạch hơn. Việc “rửa tiền” thường liên quan đến yếu tố nước ngoài cho nên phải “dính” đến tổ chức ngân hàng và hải quan.
Nếu nguồn gốc “tiền bẩn” bằng hình thức này, hình thức khác để làm cho “sạch” thì đều được xem là “rửa tiền”. Thường ở các quốc gia phát triển, bất kể đầu tư vào đâu để sinh ra một khoản tiền cũng đều có hóa đơn, chứng từ và xác định được nguồn gốc của đồng tiền. Nếu một tổ chức hoặc cá nhân không minh bạch nguồn tiền dễ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Nếu một công ty tại những nước này sử dụng dòng tiền nào đó đều bị nước sở tại giám sát. Và việc dùng tiền mặt khó “lộ” nhất bởi vì không được kiểm soát trong hệ thống. Mặt trái của việc dùng tiền mặt là “vô danh” vì đồng tiền trên không mang tên người sở hữu.
Ở Việt Nam, người dân sử dụng tiền mặt là chủ yếu nên khó bị phát hiện. Đối với các nước tiên tiến trên thế giới, mọi giao dịch đều thông qua tài khoản tại các ngân hàng nên dễ bị phát hiện khi phát sinh một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Muốn để hợp thức hóa nguồn tiền trên, các đối tượng sẽ dùng “vỏ bọc” là các công ty và không quan tâm đến việc kinh doanh có lợi nhuận hay không.
Nếu công ty kinh doanh lỗ thì việc “rửa tiền” càng dễ thực hiện thông qua hình thức báo… lãi giả. Đơn cử, nếu công ty lỗ 500 ngàn USD, nhưng khai lời 1,5 triệu USD thì các tổ chức làm ăn phi pháp sẽ bỏ 2 triệu USD để “rửa”. Lúc này, 2 triệu USD tiền “bẩn” bỗng chốc trở thành 1,5 triệu USD “tiền sạch”.
Chi phí để “rửa” tiền không nhỏ nếu công ty nào đó chấp nhận cho các tổ chức trên rửa tiền. Đối với một số kênh tiền tệ của Việt Nam, nếu một tổ chức phi pháp cầm trong tay số tiền lớn bỏ vào tài khoản để tham gia thị trường tài chính. Nhà đầu tư không cần phải chứng minh nguồn tiền trên ở đâu ra, trong khi ở nước ngoài, nguồn tiền trên phải được chứng minh, khai báo và khấu trừ thuế tiền cá nhân. Pháp luật quy định người dân phải khai báo rất rõ ràng các dòng tiền trên.
Muôn kiểu "rửa tiền"
Vừa qua, Ngân hàng HSBC dính líu đến vụ rửa tiền tại Anh bị phạt rất nặng và đã đạt thỏa thuận với chính phủ nước này về việc nộp một khoản phạt để tránh bị truy tố. Ngân hàng này đã “tiếp tay” cho các tổ chức “rửa tiền” tại Trung Mỹ nhằm mục đích hợp thức hóa nguồn tiền bẩn. Nếu một tổ chức hay cá nhân muốn gửi tiền tại ngân hàng ở nước ngoài, các ngân hàng này sẽ điều tra nguồn gốc số tiền trên trước khi được chấp thuận gửi vào. Trừ khi, tổ chức hoặc cá nhân đó biết cách chung chi “hoa hồng”, ngân hàng nơi bản xứ sẽ tìm cách “lách” để hợp thức hóa đầu vào.
Thầy Trần Nguyên Đán cho rằng: “Ở Việt Nam không làm chuyện này. Khi gửi tiền vào ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không cần phải chứng minh nguồn tiền có được mà thậm chí cạnh tranh lãi suất để thu hút nguồn tiền”.
Nếu tính lãi suất 10%/năm, các đối tượng phi pháp gửi 10 triệu USD vào ngân hàng, sau 1 năm sẽ được 1 triệu USD. Hoặc, nếu rửa tiền qua kênh chứng khoán, “nhà đầu tư” không cần biết thắng hay thua nhưng kết quả cả năm được “tung hô” lên là lời 1 triệu USD thì số tiền được “rửa” là 1 triệu USD. Lúc này, số tiền trên nghiễm nhiên biến thành “tiền sạch” và cũng chẳng ai rảnh để tra lại nguồn tiền của các tổ chức trên.
Một số công ty đầu tư chuyên nghiệp sẽ đứng ra để nhận nhiệm vụ rửa tiền để ăn “hoa hồng” từ các tổ chức làm ăn phi pháp. Dễ nhận biết, một số công ty được mở ra, không cần hoạt động nhưng cuối năm vẫn báo cáo lợi nhuận một cách đều đều.
Cách đây mấy tháng, một số công ty “giãy nảy” trong vấn đề chuyển giá quốc tế. Điển hình, Coca-Cola đã từng tìm cách giảm thuế để khỏi phải nộp vào ngân sách Nhà nước tại Việt Nam. Những công ty thuộc dạng này thông thường tìm cách khai khống chi phí để giảm thuế phải đóng. Nhưng ngược lại, một số công ty không hoạt động lại “sốt sắng” đi đóng thuế nhằm mục đích để hợp thức hóa những dòng “tiền bẩn”. Liberty Reserve được xem như điển hình của một trung gian “rửa tiền” cho những tổ chức làm ăn phi pháp tại nước ngoài thông qua các ngân hàng.
Một điều đáng quan tâm, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các ngân hàng luôn luôn được các tổ chức phi pháp có nguồn tiền bẩn hay các tổ chức mafia nhắm đến để “rửa tiền”. Tại Nhật Bản, các tổ chức mafia không đơn giản chỉ là đâm chém, bảo kê, sòng bài, mại dâm… mà những tổ chức này còn có riêng cả… ngân hàng.
Nhiều tổ chức mafia còn sử dụng những chiêu “độc” như việc mở các công ty xây dựng, thông qua đó mua cổ phiếu và tung hê lên: “Đầu tư vào công ty X này lợi nhuận cao”. Ngay sau đó, cổ phiếu công ty X lập tức “nhảy dựng” trên sàn chứng khoán. Từ đây, “tiền bẩn” được rửa sạch ngay lập tức.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhận định, mấu chốt của việc “rửa tiền” không phải để kiếm nhiều tiền hơn, mà thực tế, để mất tiền nhằm hợp thức hóa dòng tiền… bẩn và thay đổi được “lý lịch” của nguồn tiền.
Một số đại gia nhảy vào Việt Nam sẽ “hơi nhột” khi bị quy kết “rửa tiền”. Sự khẳng định trên không phải là không có căn cứ. Nguyên nhân, việc chứng minh nguồn tiền của các công ty khi đầu tư vào Việt Nam không khó khăn như một số nước khác. Ngoài ra, tỷ suất sinh lợi ở Việt Nam khá cao do nằm trong các nước có sự tăng trưởng nóng hơn so với nhiều quốc gia khác mặc dù kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Nếu so với lãi suất ngân hàng, Việt Nam 6,5%, Mỹ 3% và Nhật 0,1%.
Thầy Trần Nguyên Đán cho biết thêm, ở những quốc gia có tỷ suất sinh lời cao thường hấp dẫn các tổ chức tội phạm “dòm ngó” đến chỉ để “rửa tiền”. Số tiền được “rửa” là chênh lệch giữa số tiền cuối kỳ được công bố và số tiền của các tổ chức “rửa tiền” có được trong tay.
Theo Petrotimes