Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in từ ngày 1-4 đều thừa nhận những lợi ích như tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi và chi phí.<
>Tuy nhiên, họ đều tỏ ra lo ngại về việc hóa đơn tự in bị làm giả, thất thoát…
Tự bảo vệ
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, việc sử dụng hóa đơn tự in là hợp lý, giảm đi lại phiền hà cho doanh nghiệp nhưng cũng làm tăng nỗi lo về hóa đơn giả. “Chúng tôi cũng đã lường trước những khả năng có thể làm giả hóa đơn doanh nghiệp như giả dưới dạng in scan màu, những hóa đơn in hỏng, in lỗi bị thất lạc trong quá trình hủy…”.
Anh Việt Dũng, kế toán trưởng một Công ty TNHH chyên phân phối các mặt hàng gia dụng cho biết: “Việc cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn giúp chúng tôi được chủ động và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp khác, chúng tôi không khỏi lo ngại vấn đề bảo mật thông tin đối với hóa đơn tự in. Khi doanh nghiệp được phát hành hóa đơn nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế trên số hóa đơn đó và phải chịu trách nhiệm về hóa đơn đã in. Do đó, công ty đã xây dựng quy trình quản lý hóa đơn một cách chặt chẽ hơn. Ngoài ra để tránh bị làm giả hóa đơn, chúng tôi đã phối hợp với công ty in để sử dụng giấy in đặc biệt chống làm giả”.
Để giảm áp lực cho các cơ sở in, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ hóa đơn cần thiết để sử dụng, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 13/2011/TT-BTC theo hướng giảm điều kiện tự in hóa đơn.
Tăng cường quản lý
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: “Cho phép doanh nghiệp tự in hóa đơn là nhằm mục đích tiết kiệm thời gian đi lại, giảm thiểu các thủ tục xin mua hóa đơn, chi phí cán bộ, tiền bạc cho doanh nghiệp cũng như chống lại việc thành lập doanh nghiệp “ma” và buôn bán hóa đơn vốn đã từng rất phổ biến. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những loại tội phạm về thuế phát sinh”.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện cơ quan thuế đang xây dựng quy trình quản lý hóa đơn mới theo hướng kiểm soát rủi ro với quan điểm là sẽ tăng kiểm tra sau. Cụ thể, giao các Cục Thuế kiểm tra hoàn thuế với các hồ sơ một cách chặt chẽ như hóa đơn VAT muốn hợp pháp phải có dấu của công ty đó. Với quy trình chặt chẽ sẽ làm giảm những lo ngại trong việc làm giả hóa đơn. Giả sử trong trường hợp con dấu bị ăn trộm hay làm giả thì đã có thêm một bước đệm là kiểm tra thanh toán qua ngân hàng. Trong đề án mới về quản lý hóa đơn, chúng tôi sẽ cố gắng học tập kinh nghiệm của các ngành như ngân hàng, hàng không, bưu chính viễn thông nhất là trong phương pháp quản lý dòng tiền.
Lãnh đạo một chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội cho rằng: “Ngoài những biện pháp kiểm soát rủi ro từ phía Nhà nước, thì các doanh nghiệp cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu các công ty in chia sẻ một phần biện pháp chống giả. Đồng thời, hóa đơn do doanh nghiệp tự in cần gắn tem chống giả hoặc có ký hiệu đặc biệt”.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Song Bắc cho biết: “Đáp ứng nhu cầu in hóa đơn tự in, công ty chúng tôi đang cung cấp cho nhiều khách hàng doanh nghiệp loại giấy in bảo mật và giấy tiêu đề in bảo mật dùng để in hóa đơn tự in. Giấy in bảo mật được in bằng máy chuyên dụng và mực in bảo vệ, các chi tiết bảo mật do chính khách hàng yêu cầu. Chi tiết bảo mật này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, để kiểm tra cần dùng đèn UV (đèn soi tiền giả) các chi tiết này sẽ hiện ra rõ ràng”.
Trước những lo ngại của cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đại diện một công ty trong danh sách các nhà in đủ điều kiện in hóa đơn cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã và đang phối hợp với doanh nghiệp xây dựng quy trình bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ quy trình in cũng như quy trình hủy hóa đơn in lỗi, in hỏng, tránh không để xảy ra hiện tượng hóa đơn của doanh nghiệp lọt ra bên ngoài”.
Theo Hùng Anh