Cần sớm sửa đổi Thuế thu nhập

26/04/2019



Đúng là quan điểm tại nhiều nước, đây là Luật thuế TNCN chứ không phải thuế thu nhập cao nên phải đóng thuế từ đồng thu nhập đầu tiên.<

>

Tiếp tục câu chuyện “Thu nhập không theo kịp thuế”, ông Trịnh Huy Quách - phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội - khi trao đổi với Tuổi Trẻ đã khẳng định mức áp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện đã quá lạc hậu và cần phải cập nhật. Ông Quách nói:

Mặc dù việc sửa Luật thuế TNCN mới được nhắc đến do lạm phát tăng mạnh nhưng người dân phần nhiều đều thấy có cái gì đó bất hợp lý trong luật thuế này từ lâu, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh hiện là 4 triệu đồng cho mỗi cá nhân người nộp thuế. Theo tôi, việc chúng ta đặt ra các mức này có tính lịch sử, tại thời điểm năm 2008 nếu so với nền kinh tế, đặc biệt là chỉ số giá hiện nay đã khác quá xa.

Có quan điểm cho rằng khoản giảm trừ gia cảnh chỉ là chiếu cố đến thu nhập chứ không phải để đủ sống. Nếu thế, người dân có gì đó hơi thiệt, không được quan tâm?

Đúng là quan điểm tại nhiều nước, đây là Luật thuế TNCN chứ không phải thuế thu nhập cao nên phải đóng thuế từ đồng thu nhập đầu tiên. Nhưng chúng ta đã đặt ra mức 4 triệu đồng trở lên tính thuế, nghĩa là đã chấp nhận một mức nào đó giúp người dân. Khi đặt ra mức này có nghĩa đã phải tính đến sức mua của mức đó, không có nghĩa không thể xem lại khi không còn phù hợp.

Từ thời điểm đặt ra mức 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng (mức giảm trừ cho mỗi cá nhân có người phụ thuộc) đến nay lạm phát đã hơn 20%. Năm 2008 mức 4 triệu đồng có thể tạm đủ sống, nhưng hiện nay rất khó khăn. Với người thu nhập cao thì mức thuế đó không có vấn đề gì, nhưng với người ăn lương không ít thì nhiều có bức xúc về cuộc sống. Vì vậy, mức áp thuế kể trên, theo tôi, cũng cần phải thay đổi, không thể nói còn phù hợp ngay cả ở mức chiếu cố. Hiện nó đã quá lạc hậu, cần cập nhật để phục vụ cuộc sống.

Hiện nay mức huy động vào ngân sách ở VN (thuế, phí, lệ phí...) khoảng 23%. Theo ông, mức này có cao và có nên giảm xuống?

Mức huy động vào ngân sách nhà nước mấy năm gần đây khoảng 21-23% GDP, có thời điểm chúng ta thu vào vượt cả dự tính. Nếu so với một số nước có cùng trình độ phát triển như ta thì đúng là hơi cao. Nhưng mức thu vào ngân sách đó không chỉ có thuế TNCN mà nhiều sắc thuế khác.

Mức thuế TNCN với người có thu nhập, đặc biệt là thu nhập cao, cần tính toán trên nguyên lý nếu ta khoan sức họ, đánh thuế ở mức hợp lý thì sẽ khuyến khích họ tăng thu nhập hơn nữa, lâu dài là nuôi dưỡng phát triển nguồn thu. Nếu một người nỗ lực làm việc, thu nhập ở mức cao mà ta đánh thuế khiến họ thực đem về nhà chỉ ở mức họ chỉ cần cố gắng bình thường thôi, thì họ sẽ có tâm lý cố vừa phải để nộp bậc thang thuế TNCN thấp thôi, đằng nào cũng chỉ được mang về một khoản đó.

Nếu đưa ra vấn đề sửa luật, nhiều quan điểm ngại vì luật mới được thông qua và quy trình có thể mất nhiều thời gian, khi sửa xong không khéo lại đã có mặt bằng giá mới?

- Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của luật là phải đảm bảo đáp ứng được thực tiễn cuộc sống. Nếu nó vừa thông qua mà thực tế lại thay đổi nhanh hơn thì vẫn cần điều chỉnh bởi điều đó liên quan đến đời sống người dân. Vả lại, quy trình nói ra thì dài, từ Bộ Tài chính kiến nghị lên Chính phủ, Chính phủ đề xuất với Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, rồi ban soạn thảo sửa.

Tuy nhiên, nếu coi đây là vấn đề cấp bách, người dân quan tâm thì hoàn toàn có thể đẩy nhanh, đưa vào đầu kỳ họp, đề nghị Quốc hội cân nhắc thông qua ngay trong kỳ họp đó. Như cải cách một luật sửa nhiều luật mà chúng ta áp dụng trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thì từ ý tưởng vào thực tế rất nhanh, dự luật đưa vào đầu kỳ họp rồi được thông qua trong một thời gian ngắn. Nếu cần thiết, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội xem xét thảo luận, thông qua ngay trong một kỳ họp.

Theo Cẩm Văn Kình

Tuổi trẻ

<

>

 

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.