Trong bối cảnh giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu như hiện nay, mức chiết giảm gia cảnh cho mỗi cá nhân và người phụ thuộc theo Luật Thuế thu nhập cá nhân bị cho là lạc hậu và không theo kịp thực tế.<
>Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009, các cá nhân nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng một tháng, tương đương với 48 triệu đồng mỗi năm. Còn các cá nhân phụ thuộc như cha mẹ, người già, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi... là 1,6 triệu đồng một tháng.
Điều này có nghĩa, người chịu thuế sau khi chiết giảm cho cá nhân mình 4 triệu đồng mỗi tháng và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, khoản tiền dôi dư còn lại mới bắt đầu tính thuế. Tại thời điểm ban hành Luật, Ban soạn thảo nhẩm tính với một công chức có thu nhập 5 triệu đồng một tháng, nếu sống độc thân không phải phụng dưỡng mẹ già thì sau khi trừ đi 4 triệu đồng cho bản thân. Thu nhập còn lại mà người này phải nộp thuế thu nhập là 1 triệu đồng với thuế suất 5%.
Tương tự với các trường hợp có người phụ thuộc, theo cơ quan thuế với các quy định như vậy, người có thu nhập 5-10 triệu đồng thậm chí cao hơn chưa chắc đã phải đóng thuế nếu như người ấy chứng minh được rằng họ đang phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ và con nhỏ...
Người tiêu dùng kêu giá cả tăng cao, mức chiết giảm gia cảnh quá hẻo. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thế nhưng, sau hơn một năm áp dụng Luật này, giới chuyên gia nhìn nhận đã xuất hiện một số bất cập. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận xét: "Trong bối cảnh giá hầu hết các loại hàng hóa leo thang như hiện nay, mức chiết giảm cho cả cá nhân lẫn người phụ thuộc đang lạc hậu so với thực tế".
Ông Phong phân tích Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời là cần thiết xét về mặt cơ cấu hệ thống thuế trong một quốc gia và nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật đang bộc lộ một số bất cập.
Tiến sĩ Phong cho biết ngay tại thời điểm ban hành Luật ông đã nhận thấy mức chiết giảm gia cảnh cho người nộp thuế chưa thực sự hợp lý. Và trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, mức chiết giảm này càng bất lý và bị lạc hậu quá xa so với thời cuộc. Với mặt bằng giá như hiện nay, mỗi tháng chi tiêu của một cá nhân vào khoảng 5 triệu đồng chứ không phải mức 4 triệu hay 1,6 triệu đồng nữa. "Tôi cho rằng mức chiết giảm gia cảnh và chiết giảm cho bản thân phải tăng gấp 3 lần so với lương cơ bản thì dân mới đủ sống", ông Phong phân tích.
Đồng tình với quan điểm này một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải được xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý và không nên quy định cứng nhắc mức chiết giảm gia cảnh 1,5 triệu đồng hay 1,6 triệu đồng. Nghĩa là thay vì chốt một mức thì nên quy định mức chiết giảm bằng 3 lần lương cơ bản. Khi đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào lương cơ bản để nâng lên theo tỷ lệ. "Tôi thấy mức khấu trừ hiện nay chưa theo kịp việc tăng lương cơ bản sau các lần điều chỉnh chứ chưa nói đến việc giá cả hầu hết các mặt hàng tăng cao", vị chuyên gia kinh tế này nói.
Theo giới chuyên gia cái bất cập nhất của Luật hiện nay đã biến một pháp lệnh về thuế thu nhập cao thành Luật thuế dành cho tất cả các khoản thu nhập, không phân biệt người giàu hay người nghèo. Do vậy, đã đến lúc cần phải có động thái sửa đổi, bổ sung lại Luật cho phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường.
Những ngày gần đây, VnExpress.net cũng nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về phản ánh chuyện giá cả tăng cao, việc chi tiêu cho gia đình đã bắt đầu căng thẳng. Nhiều người cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chi tiêu cho một đứa con theo học lên tới 3-4 triệu đồng một tháng chứ không phải là mức 1,6 triệu đồng. Chị Phượng một cá nhân đóng thuế cho rằng đã đến lúc cần chỉnh sửa các mức chiết giảm cũng như khấu trừ cho bản thân để giảm bớt áp lực tăng giá cho những người làm công ăn lương.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo có thẩm quyền của Tổng cục Thuế cho biết Luật Thuế thu nhập hiện hành không quy định việc Chính phủ được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà phải thông qua Quốc hội.
Ông cho biết theo chương trình nghị sự sửa đổi bổ sung các quy định Luật được Quốc hội thông qua, trong năm 2011 chưa có chương trình sửa đối bổ sung Luật thuế cá nhân. "Tuy nhiên, chủ trương của chúng tôi là đến năm 2012 sẽ xem xét sửa Luật này và các mức giảm trừ cũng sẽ được tính đến", vị lãnh đạo này nói.
Tuy nhiên, vị quan chức này không tiết lộ bất cứ kế hoạch chỉnh sửa nào với lý do thời điểm đó còn xa.
Hồng Anh - vnexpress