DN có số lỗ giữa các Quý trong cùng một năm tài chính thì không được chuyển lỗ của các Quý trong cùng một năm tài chính vào các Quý tiếp theo cũng của năm tài chính đó.<
>Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 (Thông tư 130) hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) dự thảo sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới.
Dự thảo mới đưa ra 24 điểm sửa đổi, bổ sung Thông tư 130 nhằm cơ bản khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến thuế TNDN thời gian qua, đồng thời giúp việc quyết toán thuế TNDN 2010 được thuận lợi hơn.
Hướng dẫn cụ thể về chi phí được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tại Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện có quy định: Doanh nghiệp (DN) được trừ vào chi phí đối với phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.
Tuy nhiên các văn bản này chưa hướng dẫn cụ thể DN phải lập hồ sơ, thủ tục đối với tài sản, hàng hoá bị tổn thất như thế nào.
Bởi vậy, Dự thảo Thông tư mới đã hướng dẫn cụ thể điều này như sau: DN có công văn gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý để giải trình về tài sản, hàng hóa bị tổn thất; có biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất của Hội đồng xác định giá trị tổn thất do doanh nghiệp lập, có xác nhận của Công an cấp xã, phường hoặc Chủ tịch UBND cấp xã, phường; có hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường và hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Hiện nay, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, các khoản chi này chưa được quy định cụ thể là có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hay không.
Để khắc phục hạn chế này, dự thảo nêu rõ: Nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ hợp pháp theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Điều này sẽ giúp giải đáp băn khoăn cho rất nhiều DN.
Khống chế mức chi trang phục
Thông tư 130 quy định, phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 1,5 triệu đồng/người/năm; phần chi trang phục bằng tiền vượt quá 1 triệu đồng/người/năm thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Về quy định này, Tổng cục Thuế đề xuất khống chế chi trang phục bằng tiền và hiện vật theo 1 mức là không quá 1,5 triệu đồng/người/năm. Trường hợp DN có chi trang phục bằng cả tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 1,5 triệu đồng/người/năm.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về xác định lỗ và chuyển lỗ, bởi tại Thông tư 130 chưa quy định cụ thể có được chuyển lỗ giữa các quý hay không.
Theo đó, DN có số lỗ giữa các Quý trong cùng một năm tài chính thì không được chuyển lỗ của các Quý trong cùng một năm tài chính vào các Quý tiếp theo cũng của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế TNDN mới xác định số lỗ của cả năm, và được chuyển lỗ kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.