Nửa cuối tháng 7 đến nay, có một số thông tin cho rằng, tư thương Trung Quốc ồ ạt thu mua đã đẩy giá gạo tăng đột biến. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, cơn sốt giá nhất thời này xuất phát từ nhu cầu thực. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi năm nay, nông dân cả nước được mùa, cộng thêm lượng tồn kho, không lo thiếu gạo phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.<
>tăng do quan hệ cung - cầu
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 7, hoạt động ký kết xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao, đạt trên 795.700 tấn. Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo. Đây được coi là tín hiệu lạc quan, bởi nhu cầu tăng lên, nông dân không còn lo rơi vào cảnh ế ẩm rơi giá khi được mùa. Thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 20-30 USD mỗi tấn so với cùng kỳ. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: Giá gạo và số lượng gạo xuất khẩu tăng, một phần do Trung Quốc ồ ạt mua gạo qua con đường tiểu ngạch, nhưng cốt lõi là ngoài thị trường gạo truyền thống, nước ta đã mở rộng thêm thị trường mới. Theo ông Nguyễn Thành Biên, việc Trung Quốc mua gạo với số lượng lớn là nhu cầu có thực, bởi nước bạn liên tiếp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt, Trung Quốc mua gạo của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Sức mua tăng, kéo giá gạo trong nước tăng lên cũng là điều dễ hiểu do tác động của quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, việc Trung Quốc ồ ạt mua gạo là cơ hội để thu về ngoại tệ nhưng cần phải đề phòng giá lương thực trong nước tăng cao. Nếu chúng ta bán hết lúa gạo sẽ gây bất ổn cho thị trường trong nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có sự tính toán lượng gạo dự trữ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Không lo thiếu gạo
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2010 dự kiến sản lượng lúa thu hoạch cả nước khoảng 39 triệu tấn; lượng gạo xuất khẩu là 5,5-5,8 triệu tấn và 1,4 triệu tấn gạo tồn kho của năm ngoái chuyển sang, tổng sản lượng gạo xuất khẩu có thể đạt mốc 7,2-7,5 triệu tấn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc mở rộng thị trường xuất khẩu như hiện nay cộng với được mùa, giá xuất khẩu ở mức cao sẽ nâng tầm vị trí xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc "được mùa, được giá" khiến nông dân trồng lúa hàng hóa phấn khởi. Vấn đề hiện nay là các tỉnh cần thực hiện tốt việc phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông.
Tại cuộc họp báo vừa được Bộ Công thương tổ chức, VFA tái khẳng định, trong trường hợp không có gì đột biến về thiên tai và tiêu thụ trong nước, với lượng gạo tồn kho, sẽ không lo thiếu gạo. Hiện các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn lúa mì phục vụ chăn nuôi và công nghiệp chế biến. Như vậy, không có cơ sở để nói trong nước xảy ra thiếu lương thực trong thời gian tới. Hiện giá gạo tại phía Nam có tăng là do yếu tố tâm lý của thương lái chịu tác động từ tin đồn trên thị trường. Để bình ổn thị trường phía Nam, VFA đang chỉ đạo các doanh nghiệp bán gạo với số lượng không hạn chế cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Biên cho biết thêm, việc các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam theo chính ngạch và tiểu ngạch không phải là bất ngờ lớn và đang nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số địa phương, có thời điểm, các thương lái từ nhiều nơi khác nhau đến mua gạo gom lại để bán cho tư thương Trung Quốc, nhưng chủ yếu là theo đường tiểu ngạch. Điều này gây tác động đến tâm lý và giá cả thu mua gạo trên thị trường. Còn đường chính ngạch không có sự tăng đột biến, không phải yếu tố đẩy giá lương thực lên cao như thời gian qua. Trong trường hợp giá gạo có tăng lên đôi chút như hiện nay, đây có thể coi là cơ hội vàng trong hoạt động xuất khẩu gạo năm 2010.<
(Theo Đào Huyền - Hoài Thu // Hanoimoi Online)