Thấy gì từ xuất nhập khẩu 8 tháng vừa qua

26/12/2018

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 8-2010 và số liệu tổng hợp của 8 tháng. Có thể thấy gì qua những số liệu này?<

>

Xuất khẩu tháng 8 ước đạt 6 tỉ USD cùng cỡ với mức xuất khẩu tháng 7 (6029 triệu USD). Khu vực kinh tế trong nước xuất 2,8 tỉ, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,2 tỉ (trong đó có 350 triệu USD dầu thô). Như thế nếu trừ dầu thô, khu vực FDI xuất 2,85 tỉ USD cao hơn toàn bộ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước).

Tình hình xuất khẩu của 8 tháng đạt 44,521 tỉ USD (khu vực kinh tế trong nước 20,557 tỉ; khu vực FDI 23,964 tỉ (trong đó có 3,313 tỉ dầu thô, hay 20,651 tỉ trừ dầu thô).

Có thể thấy giống tình hình tháng 8, tổng xuất khẩu của khu vực FDI (sau khi đã trừ dầu thô) vẫn cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước (cả tư nhân và quốc doanh). Tình hình nhiều năm trước cũng vậy. Thế mà có một số người vẫn nói: các doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu hơn 50% tổng xuất khẩu! đó là một sự nhầm lẫn cố ý.

Các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD trong 8 tháng qua gồm: dệt may (6,895 tỉ); dầu thô (3,313 tỉ); giày dép (3,221 tỉ); thủy sản (2,918 tỉ); gạo (2,358 tỉ); điện tử máy tính (2,177 tỉ); gỗ và đồ gỗ (2,111 tỉ); máy móc thiết bị (1,895 tỉ); đá quy, kim loại quý (1,656 tỉ); cà phê (1,195 tỉ); caosu (1,151 tỉ); than đá (1,042 tỉ) và phương tiện vận tải và phụ tùng (1,011 tỉ).

Vài số liệu trên có thể cho ta cảm nhận về sự đóng góp cho xuất khẩu của các doanh nghiệp nhà nước trong 8 tháng qua: than đá, một phần của dệt may, một phần máy móc, một phần cao su. Gạo có thể do 2 doanh nghiệp nhà nước độc quyền xuất phần lớn, nhưng đó là công sức của bà con nông dân là chính. Khó có thể ước lượng chính xác, nhưng nếu trừ xuất khẩu tài nguyên (than và dầu) thì đóng góp cho xuất khẩu của các doanh nghiệp nhà nước khó có thể đạt 20% tổng kim nghạch xuất khẩu.

Hãy xem các số liệu nhập khẩu.

Nhập khẩu tháng 8 ước đạt 6,9 tỉ USD (thấp hơn tháng 7 (7,007 tỉ) một chút). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 4 tỉ, khu vực FDI 2,9 tỉ. Như thế cả hai khu vực đều nhập siêu trong tháng 8!

Số liệu nhập khẩu tổng hợp của 8 tháng: 52,676 tỉ USD (khu vực kinh tế trong nước 30,305 tỉ, khu vực FDI nhập 22,371 tỉ USD).

Như vậy tổng nhập siêu của 8 tháng vừa qua là 8,155 tỉ USD. Có thể thấy  khu vực FDI xuất siêu nếu tính cả dầu thô, nhưng nếu trừ dầu thô thì khu vực này cũng nhập siêu (1,72 tỉ USD, chiếm 21% của nhập siêu). Cũng dễ nhận thấy phần lớn nhập siêu là từ các doanh nghiệp trong nước.

Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD gồm: máy móc thiết bị (8,548 tỉ); xăng dầu (4,365 tỉ); sắt thép (3,705 tỉ); vải (3,416 tỉ); điện tử máy tính (3,012 tỉ); chất dẻo (2,4 tỉ); ô tô (1,817 tỉ); nguyên phụ liệu dệt may da giày (1,685 tỉ); kim loại thường khác (1,572 tỉ); thức ăn gia súc (1,475 tỉ); hoá chất (1,27 tỉ); và sản phẩm hóa chất (1,268 tỉ).

Có thể thấy nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỉ lệ lớn nhất và riêng chênh lệch xuất-nhập của loại này là 6,653 tỉ USD.

Người ta đã lý giải từ hàng chục năm nay rằng chúng ta nhập máy móc, nguyên liệu để sản xuất ra hàng xuất khẩu. Các số liệu của nhiều năm vừa qua về cơ cấu xuất nhập khẩu cũng có xu hướng tương tự liên quan đến máy móc thiết bị và nguyên liệu. Cho nên lập luận trên là hoàn toàn sai.

Thực ra Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố không khuyến khích, không theo đuổi chính sách “thay thế hàng nhập khẩu”, nhưng các số liệu trên, cũng như số liệu của nhiều năm vừa qua, vẫn cho thấy chính sách trên vẫn còn tồn tại.

Đáng lưu ý là, một số nghiên cứu gần đây của các học giả cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của các ngành thay thế nhập khẩu ngày càng tăng (ở mức khoảng 7% năm 2005 tăng lên khoảng 12% năm 2008), còn của các ngành hướng xuất khẩu lại giảm đi trong cùng thời kỳ. Nói cách khác chính sách ưu ái của Nhà nước với khu vực sản xuất hàng “thay thế nhập khẩu” (mà có lẽ là các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước) có thể là nguyên nhân chính cho hiện tượng trên.

Việc điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD vừa qua chắc sẽ làm dịu nhập siêu đi một chút, song để cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam cần đến những thay đổi căn bản trong chính sách của Nhà nước.

 

(Báo Lao Động)

<

>

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.