Sau hơn 4 năm phải chịu mức thuế chống bán phá giá (CBPG) ở mức 10%, ngành da giày nước ta đã bị thiệt thòi khá lớn về tài chính do thị trường EU chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.<
>
Theo thống kê của Bộ Công thương, trước năm 2005, khi Ủy ban châu Âu (EC) chưa áp thuế CBPG, tỷ trọng giày dép xuất khẩu vào EU của hầu hết các DN đều ở mức 60-80%, còn tại thời điểm này chỉ còn là 45-55%.
Các chuyên gia khuyến cáo, để không bỏ lỡ cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU, khi thuế CBPG không còn từ đầu năm 2011, các DN da giày cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên, theo nhận định chung, do ảnh hưởng của thuế CBPG và của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên không ít DN đã thu hẹp sản xuất và không chủ trương đầu tư để nâng cao sản lượng.
Những năm trước đây, với hơn 4.000 lao động, Công ty cổ phần Giày Thăng Long (Hà Nội) có năng lực xuất khẩu trên 2 triệu đôi giày dép mỗi năm. Kể từ khi EU áp thuế CBPG, Công ty đã phải cắt giảm lao động xuống chỉ còn hơn 1.000 người và mỗi năm chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu đôi giày dép.
Đại diện Công ty cho biết, để duy trì hoạt động, Công ty đã phải chuyển hướng sang sản xuất giày đá bóng cho thị trường trong nước với sản lượng 20.000 đôi/tháng.
Thêm vào đó, khó khăn không chỉ có vậy, do giảm đơn hàng, nên DN da giày thu hẹp sản xuất. Theo phản ánh của nhiều DN da giày tại Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…, khoảng 40% lao động đã bỏ việc và chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác, nên khi có các đơn hàng trở lại, nhiều DN không có đủ nguồn lực để thực hiện.
Công ty TNHH Tân Thành (Bình Dương) chuyên sản xuất giày mũ da xuất khẩu sang EU, vẫn cố gắng cầm cự để duy trì sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trong mấy năm qua. Tuy nhiên, như chính ông Khương Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Thành đã thừa nhận, Công ty và nhiều DN khác tại các khu công nghiệp đang rất khó tuyển lao động, mà thiếu lao động là nguyên nhân chính cản trở việc gia tăng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN khi thuế CBPG được gỡ bỏ.
Ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Giày Phúc Yên nhận xét, tác động của việc áp thuế CBPG với giày mũ da xuất khẩu vào EU đến ngành quá lớn, nên ngay cả khi thời điểm thuế này sắp hết hiệu lực thì khả năng hồi phục xuất khẩu sẽ hoàn toàn không dễ dàng. Trước hết, sau một thời gian dài hơn 4 năm, nhiều DN đã chủ động thu hẹp sản xuất, không bám sát thị trường EU nên thiếu thông tin về thị trường và thị hiếu tiêu dùng tại đây. Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu được cung cấp trong nước, chi phí đầu vào tăng nhanh...
Ngoài ra, việc những rào cản kỹ thuật mới tại thị trường EU đang gia tăng cũng làm khó cho các DN da giày. Theo đó, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về nhãn mác, môi trường, mới đây, EU đã đưa quy định về hoá chất (Reach), yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân thủ nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, trong khi đặc thù của ngành này vốn phải sử dụng nhiều hoá chất. Quy trình sản xuất ra một đôi giày phải sử dụng đến 50 loại vật liệu khác nhau và mỗi loại vật liệu này ít nhiều có chứa hoá chất.
Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, áp lực thực thi Reach đang đè nặng lên vai các DN, bởi việc thực thi không chỉ phụ thuộc vào bản thân DN trong ngành mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối hoá chất.
Bởi vậy, bài toán đẩy mạnh xuất khẩu giày dép nói chung và giày mũ da nói riêng vào EU xem ra còn nan giải.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư)
<>