Ở Khánh Hòa, nhiều ông chủ nước ngoài đã thuê được hơn 1.000ha mặt biển với thời hạn tối đa 20 năm.<
>
Theo nguồn tin riêng của báo Nông thôn ngày nay, chỉ riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tại vịnh Vân Phong có trên 1.000ha mặt biển đã được giao cho các doanh nghiệp nước ngoài với thời hạn tối đa 20 năm.
Doanh nghiệp thuê diện tích lớn nhất, lâu năm nhất là Công ty TNHH Ngọc Trai Nha Trang của Đài Loan với 442ha. Mục đích ban ban đầu của công ty này là nuôi ngọc trai, nhưng do thua lỗ nên họ chuyển sang nuôi cá bớp.
Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp nước ngoài khác như Công ty Ngọc Trai Việt Nam (Nhật Bản) thuê 300ha; Công ty Ngọc Trai Nha Trang (Nhật Bản) 130ha; Công ty Marifarm (Na Uy) 136ha… để nuôi ngọc trai, cá lồng…
Chưa hết, ở các huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, hàng ngàn ha mặt nước cũng được "trao" vào tay các ông chủ nước ngoài để kinh doanh du lịch, công nghiệp đóng tàu…
"Lạ" là khi được hỏi về tình hình cho thuê mặt biển ở địa phương, ông Huỳnh Ngọc Thơ - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vạn Ninh nói: Chỉ "biết" 2 dự án, số còn lại không nắm được vì không được cấp trên thông báo (!?). Còn khi được hỏi về tổng diện tích mặt biển của huyện Vạn Ninh và của vịnh Vân Phong, ông Thơ cũng… lắc đầu.
Ông Đào Văn Lương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vạn Ninh cho biết: Thực hiện chủ trương giao mặt biển, mặt nước cho dân nuôi trồng thủy sản, huyện đã hoàn chỉnh quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chưa có hộ dân nào được giao.
Trả lời về vấn đề chậm trễ cấp mặt nước, mặt biển cho dân, bà Lương Thị Hải - Phó Chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết: Đã có những hộ dân gửi đơn lên UBND huyện xin được giao mặt nước, mặt biển. Huyện đã chuyển đơn sang Phòng Tài nguyên - Môi trường đề nghị tham mưu nhưng chưa thấy trả lời.
Còn ông Huỳnh Ngọc Thơ lại bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc giao mặt nước, mặt biển cho dân. Ông Thơ cho rằng, nếu giao mặt biển sẽ gây ra xung đột, thậm chí tranh chấp giữa ngư dân khai thác và ngư dân nuôi trồng thủy sản.
Được biết, không chỉ ở huyện Vạn Ninh, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ở cùng đầm Nha Phu, huyện Ninh Hòa cũng đang gặp khó khi đề nghị giao mặt nước để thành lập các tổ liên kết sản xuất.
Mặt biển là tài sản chung, là chủ quyền của toàn người dân Việt Nam, việc cho thuê mặt biển cần phải có sự đồng thuận của xã hội vì việc đó có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái. |
Lợi bất cập hại
Trao đổi về vấn đề này với NTNN, GS - TS. Nguyễn Tác An - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên chính phủ, bày tỏ:
Hiện nay, mật độ dân số nước ta ở các vùng ven biển rất đông nên phần nhiều đã bị khai thác quá mức.
Do đó, việc cho nước ngoài vào thuê mặt biển sẽ càng gây căng thẳng, mất an ninh. Rõ ràng, khi thuê được rồi, các ông chủ nước ngoài sẽ ngăn lại, làm mất quyền giao thông, mất quyền khai thác tại vùng biển quê hương của người dân.
Bên cạnh đó, việc thuê mặt biển để kinh doanh quy mô lớn có thể gây những tác động khôn lường về môi trường.
Cũng theo ông An, việc cho thuê mặt biển để kinh doanh là việc không nên làm. Rõ ràng nếu chỉ để thu một số tiền ít ỏi từ việc cho thuê mặt biển mà làm mất chủ quyền cả một vùng biển rộng lớn thì đúng là một việc không đáng làm. Nếu không suy xét cẩn trọng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt trong hiện tại và tương lai.
Theo Mai Khuê - Dân Việt
<>