Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy ngành thủy sản bảy tháng đầu năm 2010 ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng trưởng mạnh so với giai đoạn khó khăn cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất cho thấy đang xuất hiện rào cản ở các thị trường xuất khẩu truyền thống.<
>
Xuất khẩu tôm tăng mạnh cả về lượng và giá
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 7 ước đạt 430 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu bảy tháng đầu năm lên 2,45 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ), các doanh nghiệp tôm của Việt Nam tận dụng tốt cơ hội nâng giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ vào thị trường này và gia tăng lợi nhuận.
Xuất khẩu mặt hàng tôm bảy tháng đầu năm đang giữ vị trí đứng đầu, đạt giá trị gần 717 triệu USD (chiếm 35,45% giá trị xuất khẩu), tăng tới 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt hàng cá tra và basa, đạt 650 triệu USD, chỉ tăng 8,23%.
Thị phần xuất khẩu của thủy sản Việt Nam khá ổn định, EU vẫn là khối thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, với giá trị hơn 512 triệu USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ hai, đạt 371,6 triệu USD, với mức tăng trưởng 34,4% về lượng và 22,39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sự hồi phục của thị trường Nga. Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản vào Cộng hòa Liên bang Nga (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến cuối tháng 7, cá tra, ba sa xuất khẩu vào Nga tăng 11,2% (hơn 2.000 tấn), giá bình quân tăng 0,09 USD/kg so với cùng kỳ năm 2009. Mục tiêu năm 2010, xuất khẩu sang thị trường Nga sẽ đạt 100 triệu USD.
Xuất hiện những rào cản mới
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đang xuất hiện các rào cản mới đối ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kể từ ngày 1-10-2010, tất cả các mặt hàng thủy sản nhập khẩu vào Nga sẽ bị áp dụng Quy định vệ sinh dịch tễ và các tiêu chuẩn khác. Ngày 4-8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam lần thứ 4, giai đoạn từ ngày 1-2-2008 đến 31-1-2009 theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp.
Theo đó, chỉ có một công ty được giảm thuế, còn lại tất cả đều bị nâng mức thuế chống bán phá giá. Cụ thể: Công ty Minh Phú có mức thuế giảm từ 3,27% xuống còn 2,96%, trong khi mức thuế áp cho Nha Trang Seafoods tăng từ 2,50% lên 5,58%. Mức thuế áp cho 29 công ty khác, không phải là bị đơn bắt buộc, cũng tăng từ 2,89% lên 4,27%.
Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga cũng lưu ý các doanh nghiệp từ tháng 9, thị trường Nga có khả năng bị thu hẹp do Nga áp dụng các biện pháp kỹ thuật siết chặt các mặt hàng nhập khẩu, vì đó là thời điểm của mùa vụ đánh bắt cá hồi.
Trước những rào cản mới xuất hiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương cho rằng, bên cạnh việc giữ vững thị trường xuất khẩu cũ, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng công tác xúc tiến thương mại ở các thị trường mới. Doanh nghiệp cần lưu ý đến việc tham gia các hội chợ thương mại thủy sản quốc tế để tiếp cận trực tiếp với các bạn hàng nhập khẩu.
(Theo DUY HUỲNH // Nhandan Online)
<>