Vừa qua, báo DĐDN có bài viết về những khó khăn của DN khi tự in hóa đơn. Tuy nhiên, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 vì thế từ nay đến ngày đó, các DN có thể kiến nghị những thắc mắc tới Tổng cục Thuế.<
>
Từ ngày 1/1/2011 trở đi, cơ quan thuế không bán hoá đơn cho cơ sở kinh doanh là DN<
>Nghị định 51 quy định cụ thể các loại hoá đơn gồm: hoá đơn xuất khẩu, hoá đơn giá trị gia tăng, hoá đơn bán hàng và các loại hoá đơn khác. Quy định về hình thức hoá đơn gồm: hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử, hoá đơn đặt in.
Từ ngày 01/01/2011 trở đi, cơ quan thuế không bán hoá đơn cho cơ sở kinh doanh là DN. Các cơ sở là DN sẽ sử dụng hoá đơn tự in hoặc hoá đơn tự đặt in hoặc hoá đơn điện tử. Vì vậy, ngay từ bây giờ các DN phải tự xác định loại hoá đơn sẽ sử dụng và đăng ký sớm với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, DN cũng phải chuẩn bị thiết kế mẫu hóa đơn cho phù hợp, có những phương án về bảo mật để có thể quản lý một cách tốt nhất, tránh bị giả mạo. Các Cục Thuế chỉ thực hiện đặt in hoá đơn để bán cho tổ chức không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương và để cấp cho các tổ chức không phải là DN, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ cần có hoá đơn để giao cho khách hàng.
Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân bán hàng có uỷ nhiệm bán hàng hoá, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác, được uỷ nhiệm lập hoá đơn cho tổ chức, cá nhân uỷ nhiệm khi bán hàng hoá, dịch vụ.
Khi bán hàng hoá, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hoá đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hoá đơn. Hàng hoá, dịch vụ không phải lập hoá đơn này được theo dõi trên bảng kê. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hoá đơn ghi số tiền bán hàng hoá dịch vụ trong ngày.
Người mua được sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật.
Nghị định quy định chi tiết các hành vi vi phạm về tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử, đặt in, in hoá đơn đặt in, mua hoá đơn, phát hành hoá đơn, sử dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, sử dụng hoá đơn của người mua. Các hình thức xử phạt được quy định phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và với mức phạt bằng tiền thấp nhất từ 1 triệu đồng đến cao nhất là 100 triệu đồng.
Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, doanh nhân được thuận lợi. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần nghiên cứu kỹ các quy định về hoá đơn trong Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để tránh sai sót, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bản thân DN cũng như tác động xấu đến hoạt động của đối tác nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Trong quá trình thực hiện, nếu cần hỗ trợ thêm, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ với cơ quan thuế tại địa phương.<
>Trần Kim Anh