Trên thực tế, việc nhập siêu vẫn chủ yếu tăng mạnh do nhập khẩu máy móc, thiết bị đồng bộ tại chính các dự án đấu thầu của các chủ đầu tư trong nước.<
>
7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập siêu cả nước theo Bộ Công Thương là hơn 9 tỉ USD. Để kiềm chế nhập siêu không quá 20%, biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn hoặc trong nước đã sản xuất được đã được Bộ Công Thương đề ra.
Tuy nhiên trên thực tế, việc nhập siêu vẫn chủ yếu tăng mạnh do NK máy móc, thiết bị đồng bộ tại chính các dự án đấu thầu của các chủ đầu tư trong nước.
Cạnh tranh không cân sức
Cuối tuần qua, tại hội nghị bàn giải pháp tăng cường sử dụng vật tư sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều ý kiến các hiệp hội và doanh nghiệp đều khẳng định, mặc dù chủ trương ưu tiên hàng hoá sản xuất trong nước là có, nhưng kết quả thì hầu hết các gói thầu lớn, thậm chí dự án theo hình thức tổng thầu EPC đều rơi vào tay nhà thầu ngoại.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN - cho rằng, trước đây nhiều DN cơ khí trong nước như Lilama, TCty Máy và thiết bị công nghiệp, TCty Xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon)... đã từng thực hiện nhiều công trình theo hình thức tổng thầu EPC các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, ximăng trong nước, nhưng nay, áp dụng Luật Đấu thầu, hầu hết các DN trong nước đều bị loại. Do Luật Đấu thầu không có điều khoản quy định xuất xứ thiết bị, nên thiết bị các nước G7 cũng được đánh đồng với thiết bị NK từ các nước trong khu vực.
Vì vậy, đa phần các Dự án đấu thầu thì phần lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, do giá rẻ, nhưng đổi lại là chất lượng thiết bị cũng “tiền nào của nấy”.
Nếu chia nhỏ các gói thầu thành nhiều gói nhỏ phù hợp với năng lực của các đơn vị trong nước như dự án Ximăng Quang Sơn (Thái Nguyên) - chủ đầu tư TCty Công nghiệp xây dựng VN (Vinaincon) hay như một số dự án đầu tư của TCty XNK xây dựng VN (Vinaconex) thì không những tạo công ăn việc làm cho DN trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hoá, mà còn tiết kiệm vốn đầu tư và sớm đưa công trình vào vận hành an toàn, đúng tiến độ, ông nói.
Ông Trần Hồng Quang - TGĐ Cty CP thiết bị điện Đông Anh - cũng cùng quan điểm: Hiện Cty là DN sản xuất được máy biến áp 500kV duy nhất tại VN, song cũng không cạnh tranh được với sản phẩm tương tự của Trung Quốc về giá. Khi đấu thầu cạnh tranh, nếu xét về giá đánh giá tối đa thì không DN nào qua mặt được Trung Quốc.
Trong luật rõ ràng có quy định “chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thiết bị trong nước không sản xuất được”, nhưng trên thực tế thì các nhà nhập khẩu đều tìm cách lách luật.
Sửa Luật Đấu thầu
Ông Nguyễn Văn Thụ khẳng định: Phải có giải pháp và cơ chế cho các dạng công trình có nguồn vốn khác nhau. Chẳng hạn đối với những công trình mà chủ đầu tư là các tập đoàn, TCty nhà nước nhất thiết phải xây dựng phương án sử dụng năng lực thiết kế, thi công, chế tạo, lắp đặt và sử dụng nguyên - nhiên - vật liệu trong nước.
Trước việc hàng loạt dự án đấu thầu quốc tế đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, Hiệp hội DN cơ khí VN kiến nghị Chính phủ cần sửa Luật Đấu thầu, tăng thêm ưu đãi cho gói thầu tư vấn và gói thầu mua sắm hàng hoá trong Nghị định 58 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, nhằm tăng thêm khả năng thắng thầu của các DN trong nước.
Các dự án do tổng thầu nước ngoài thực hiện, kể cả các gói hàng cung cấp thiết bị chính phải có quy định của Chính phủ bắt buộc ký liên danh với DN trong nước cung cấp tối thiểu 30% trang thiết bị, vật liệu sản xuất tại VN và phải chứng minh có năng lực thực hiện việc duy tu bảo dưỡng, đại tu tại các cơ sở ở VN.
Kiến nghị Bộ Công Thương làm đầu mối trình Chính phủ trước khi khởi công và theo dõi quá trình thi công xây lắp công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phải đàm phán với nhà thầu sử dụng sản phẩm có khả năng thiết kế, chế tạo trong nước và quy định giá sàn đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được như kết cấu thép thiết bị phi tiêu chuẩn, các thiết bị điện từ máy biến áp 220kV trở xuống, tàu thuỷ từ 50.000 tấn, ôtô chở khách, ôtô tải và các chủng loại ôtô chuyên dụng...
Theo Hồng Quân - Lao động
<>