Lâu nay chỉ chủ yếu các DN xuất khẩu gạo của VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) "một mình một chợ" trong mua lúa, khiến nông dân ĐBSCL luôn kêu trời vì không quyết định được giá bán. Mới đây, các thương nhân Trung Quốc ồ ạt vào thu gom, đẩy giá lúa lên cao, các DN lại "kêu trời" lo thiếu gạo xuất khẩu và e ngại rối loạn thị trường. Nếu loại bỏ yếu tố "rối loạn" thì sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho nông dân...<
>
Lo thiếu gạo vì... Trung Quốc
Ngày 6.8, tại cuộc họp đánh giá xuất khẩu 7 tháng đầu năm và triển khai tiếp kế hoạch mua tạm trữ lúa hè thu, do VFA tổ chức, các DN thay vì kêu không có đầu ra như trước, nay lại lo... thiếu gạo xuất khẩu. Theo báo cáo, hiện thị trường lúa gạo ĐBSCL đang rất sôi động và có lợi cho nông dân. Nếu như vào giữa tháng 7.2010 lúa chất lượng thấp chỉ từ 2.800-3.200 đồng/kg thì nay tăng lên 3.850-4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao từ 3.500-3.800 đồng lên 4.100-4.450 đồng/kg.
Lý do bên cạnh việc các DN của VFA đang thu mua trên 460.000 tấn gạo hè thu tạm trữ trong số 1 triệu tấn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì còn bởi thương nhân Trung Quốc gần đây đổ vào mua gom các loại lúa gạo, đã đẩy giá tăng vọt. Từ giữa tháng 7 tới nay, thương nhân Trung Quốc ồ ạt vào ĐBSCL gom vét lúa gạo (kể cả tấm gạo phẩm chất thấp) với số lượng không hạn chế. VFA ước tính, lượng gạo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc lên tới 600.000 tấn. Nếu các thương nhân Trung Quốc tiếp tục mua số lượng khoảng 1 triệu tấn gạo, thì nguy cơ quý IV năm nay, DN ta không đủ gạo xuất khẩu! Dự kiến quý IV, các DN sẽ xuất khoảng 1,3 triệu tấn gạo.
Đến lúc sòng phẳng với nông dân
Nhiều DN VFA lo ngại, việc thương nhân Trung Quốc thu gom gạo sẽ gây rối loạn thị trường trong nước. Điều này là hiển nhiên, bởi nông dân sẽ bán cho ai mua giá cao, không gây khó dễ. Với tình trạng mua theo giá được “khống chế” thì tất yếu DN ta khó đủ hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký. Nhờ vậy, nên tại cuộc họp, VFA chuyển hướng điều hành với chỉ đạo: Nếu trường hợp giá lúa gạo tăng quá cao, DN đang mua tạm trữ không mua nổi thì báo cáo VFA để có điều chỉnh; sẽ không khống chế giá sàn mà để DN tự chủ động giá bán...
Còn nhớ, vào tháng 6.2010, khi vụ hè thu rộ lên mà thị trường chỉ có VFA “một mình một chợ”, nông dân đã khóc ròng vì lúa tồn, gạo ế đến mức Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN, ông Nguyễn Duy Lượng, phải lên tiếng trên công luận: Nông dân ĐBSCL bị ép giá! Còn VFA thì đổ lỗi do thị trường thế giới ảm đảm, do chất lượng lúa hè thu thấp... rồi xin Chính phủ hỗ trợ DN bằng phương pháp: DN bỏ tiền mua lúa tạm trữ để cứu dân, nhưng Chính phủ phải hỗ trợ lãi suất.
Nói cách khác, DN đã “mượn” tiền ngân sách không lãi để kinh doanh. Tất nhiên, DN “lời ăn, lỗ chịu”, nhưng thực tế nhiều năm được hưởng ưu đãi này, chưa thấy “đại gia” nào của VFA “chết” cả. Nên “hiện tượng” thương nhân Trung Quốc vào mua gạo đã “cộng hưởng” đẩy giá lên, làm lợi cho nông dân đã đối lập với “bức tranh” trước đó do VFA “một mình một chợ”. Đã đến lúc cơ chế thị trường cần phải sòng phẳng.
InfoTV - (LĐ)<
> <> <>