Ngày 4-8, liên quan đến việc Philippines tạm ngừng nhập khẩu gạo, đại diện Bộ Công thương cho hay đã được báo cáo về vấn đề này.<
>
Hiện Bộ Công thương đang rà soát lại tình hình để cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) - đơn vị được giao nhiệm vụ xuất khẩu sang Philippines có hướng giải quyết, tháo gỡ.
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người gần 30 năm chuyên theo dõi tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, cho biết việc Philippines dần chuyển sang tự túc lương thực là điều dễ hiểu. Nước này từng xuất khẩu lương thực và là nơi có trụ sở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nổi tiếng. Philippines mới nhập khẩu gạo với số lượng lớn của Việt Nam trong bốn năm gần đây, sau khi nước này gặp hàng loạt thiên tai, hạn hán khiến nông nghiệp mất mùa.
Sự kiện Philippines tạm ngưng nhập khẩu gạo đặt ra vấn đề thị trường lương thực thế giới ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt. Đến nay chưa có một thống kê đầy đủ về cung lương thực đang vượt quá cầu nhưng việc một số nước như Ấn Độ, Pakistan… được mùa dẫn đến diễn biến lương thực không giống với dự báo đầu năm mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đưa ra.
Hiện một số thị trường như châu Phi, một số nước châu Mỹ vẫn có nhu cầu nhưng số lượng sẽ không lớn như Philippines. Riêng châu Phi có nhu cầu thực nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế cộng với việc mua bán ở đây dễ rủi ro khi thanh toán.
Theo ông Tụng, sản xuất lương thực luôn có sự biến động lớn, có thể năm nay được mùa nhưng năm sau lại mất mùa. Cho nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thể hiện sự năng động bằng việc tìm kiếm thị trường mới chứ không nên lệ thuộc quá nhiều ở thị trường tập trung.
( Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
<>