Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010: Hỗ trợ tối đa quyền của trọng tài
Tại hội thảo Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 do VCCI phối hợp với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DANIDA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 20/7/2010 tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Trọng tài Thương mại cho biết, Luật Trọng tài Thương mại 2010 có một số điểm mới cơ bản và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sử dụng Trọng tài các nước trên thế giới.<
>
< >
< ><
Theo ông Phạm Quốc Anh, những điểm mới quan trọng trong dự Luật đã khắc phục được những tồn tại của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 như phân định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài đối với các tranh chấp thương mại; Luật đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của Trọng tài thông qua việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên. Đặc biệt Luật còn có quy định về trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng thì bên khởi kiện (nguyên đơn) có quyền được tự do lựa chọn tổ chức trọng tài thích hợp để khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Với quy định này sẽ ngăn chặn và giảm bớt tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc tình trạng không có cơ quan nào giải quyết tranh chấp.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng khẳng định, Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã nâng vị thế của trọng tài một cách đáng kể thông qua việc cho phép Hội đồng trọng tài được thu thập chứng cứ (Điều 47), triệu tập nhân chứng (Điều 48), áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 50). Điều này sẽ giúp cho tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn…
Một số điểm mới khác như Luật đã hạn chế nguy cơ phán quyết của trọng tài bị Tòa án tuyên hủy; đưa ra một loạt quy định mới về mối quan hệ giữa trọng tài với Tòa án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên....
Dự án Luật trọng tài Thương mại cũng đã tiếp thu một nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng là nguyên tắc rất quan trọng đã hình thành từ lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Theo đó, một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại trọng tài hoặc tòa án. Quy định này nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả các hành vi cơ hội trong tố tụng trọng tài.
Hồ Hường