Tiểu thương làm hàng xuất khẩu

17/11/2018

Việc xuất khẩu đến với các tiểu thương không theo các bài bản tiếp thị như các doanh nghiệp quy mô lớn, mà đa phần xuất phát từ lời giới thiệu của bạn hàng với nhau.<

>

Chưa có thống kê riêng về hoạt động xuất khẩu của tiểu thương ở các chợ, cơ sở gia đình, nhưng trên thực tế họ đã bán trực tiếp ra nước ngoài đủ loại mặt hàng, từ quần áo, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ cho đến gói gia vị, chai dầu xoa bóp…

Việc xuất khẩu đến với các tiểu thương không theo các bài bản tiếp thị như các doanh nghiệp quy mô lớn, mà đa phần xuất phát từ lời giới thiệu của bạn hàng với nhau.

Vẫn là hữu xạ tự nhiên hương

Ông Thoại Phan, chủ cơ sở sản xuất dầu gió số 97/8A đường Phù Đổng Thiên Vương, quận 5 kể: “Việt kiều về nước thấy hàng của tôi giá rẻ, chất lượng cũng đạt, nên họ mua làm quà tặng bạn bè cho rẻ. Người này giới thiệu người kia, rồi có thương nhân tìm tới mua số nhiều”.

Nay ông Thoại Phan đã bán được hàng ở năm nước: Campuchia chủ yếu bán dầu gió với khoảng 500 – 600 thành (thùng 60 chai) mỗi tháng cho người buôn bán từ các chợ đầu mối sang Việt Nam mua hàng; Philippines gần 1.000 thùng dầu nóng/tháng do một công ty thương mại đặt mua; Trung Quốc khoảng 30 thùng dầu cù là/tháng qua người buôn bán ở khu chợ biên giới phía Bắc.

Riêng Malaysia và Indonesia đã có khách đến mua hàng thường xuyên, nhưng số lượng vẫn chưa ổn định, lúc được 20 thùng, có lúc gần 100 thùng. Còn Việt kiều, khách Tây sang Việt Nam vẫn mua lẻ mỗi lần vài chục chai mang về làm quà. Theo ông Phan, dầu của Việt Nam giá rẻ, chất lượng không kém dầu của Singapore hay Trung Quốc nhiều, nên bán rất tốt cho người tiêu dùng bình dân ở nước ngoài.

Gia vị Anh Hai lúc đầu chỉ bán cho các đầu bếp, quán ăn, bà nội trợ ở Sài Gòn. Dần dà họ đồn thổi nhau, mua mang ra nước ngoài làm quà, giới thiệu người nước ngoài vào mua. Đến nay nhãn hiệu này đã có hệ thống sạp ở các chợ Bến Thành, An Đông, Vườn Chuối, và đã chọn lọc lại năm loại gia vị thảo mộc là: cà ri, bò kho, bún bò Huế, phở bò và ngũ vị hương, đóng gói bằng túi màng nhôm, chia phần gia vị nấu đủ cho 1kg thịt hoặc phần ăn 4 – 6 người, bán cho khách nước ngoài.

Ông Lý Đại Sơn, con ông Lý Luân – người sáng lập thương hiệu Anh Hai, cho biết: “Gia đình chúng tôi từng bán ra nước ngoài tất cả các sản phẩm nấu, nướng, chiên xào… theo yêu cầu của khách. Nhưng chúng tôi nhận ra bán theo kiểu đó đáp ứng không nổi những nhu cầu quá đa dạng, nên chúng tôi chủ động làm hàng đóng gói sẵn cho khách dễ mua”.

Ánh Linh hiện đang sản xuất 500 áo cưới để bán sang Pháp và 300 chiếc bán cho Nhật. Từ những khách mua lẻ đầu tiên đến đặt áo cưới mang ra nước ngoài, cho đến các đại diện kinh doanh áo cưới của Nhật, Pháp sang tìm hiểu quy trình sản xuất, chất lượng để mua hàng, hầu như nhãn hiệu Ánh Linh không tốn một xu nào để tiếp thị hay tìm thị trường. Khách tự tìm đến. Bà Linh nói: “Bán được cho khách nước ngoài chủ yếu nhờ giá rẻ và chất lượng”.

“Khách mua hàng từ Campuchia, Nhật, Mỹ… vẫn đặt giày dép của chúng tôi vì kiểu dáng lịch sự, bền, nhất là sản phẩm bằng da kết hợp trang trí thủ công luôn có giá rẻ hơn 40 – 50% so với hàng các nước khác”, bà Đạo, chủ cơ sở sản xuất giày dép Đức Tài ở chợ Bến Thành cho biết.

Khó làm ăn lớn

Ông Lý Đại Sơn cho rằng: “Bán ít, nhưng đảm bảo hương vị và chất lượng sản phẩm, sẽ giữ công việc làm ăn lâu bền hơn là chạy theo số lượng mà không kiểm soát hết được”.

Còn ông Thoại Phan nói: “Nếu chịu bán gối đầu, tôi còn có thể tăng số lượng nhiều hơn. Nhưng tôi chọn cách thà bán ít, thu tiền trước cho chắc. Khách hàng ở Malaysia và Indonesia đòi trả chậm, tôi thoả thuận với họ là sẽ khuyến mãi mua 1 tặng 1, coi như đầu tư mở thị trường chứ dứt khoát không cho nợ”. Một vấn đề khác ông Phan đang lo: “Tôi rất muốn phát triển như công ty lớn, mở đại lý, đăng ký thương hiệu ra nước ngoài, nhưng mặt hàng dầu gió lại được xếp vào sản phẩm liên quan đến sức khoẻ, đòi hỏi kinh doanh có điều kiện, nên hiện nay tôi đang xúc tiến làm thủ tục đăng ký mở đại lý ở Trung Quốc mà vẫn chưa được”.

Bà Linh đã mở công ty áo cưới Ánh Linh để có tư cách pháp nhân xuất khẩu dễ dàng hơn. Từ khi có công ty, bà đã biết cách giao hàng đa dạng bằng đường hàng không, tàu biển, hoặc mở tín dụng thư, thực hiện các C/O form A cho hàng sang Pháp để được hưởng chính sách ưu đãi thuế… Ánh Linh cho các nhân viên làm việc lâu năm có tay nghề vững về quê mở xưởng gia công để có sản phẩm giá rẻ.

Nhưng bà Linh cho biết: “Cả chục năm qua, không chỉ tôi mà nhiều bạn bè ở khu Tân Bình đều làm áo cưới xuất khẩu trọn gói từ lên mẫu, chọn nguyên phụ liệu, may, kết, trang trí…, nhưng chúng tôi không có cách nào đưa thương hiệu vào sản phẩm”.

Theo Bích Thuỷ - Sài Gòn tiếp thị

<

>

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.