Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2010 được đánh giá là điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế, với con số tăng trưởng 15,7%.<
>
Đây là kết quả quá trình nỗ lực lớn của các ngành, các cấp và doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, về những nỗ lực cần thiết sắp tới để kim ngạch xuất khẩu trong năm nay giữ mức tăng trưởng hai con số.
- Thưa Thứ trưởng, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 15,7% là điều rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn...
Theo số liệu ước tính của liên Bộ Công thương - Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, xuất khẩu của nhóm nông sản, thủy sản ước đạt 6,61 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là nhân điều, cao su, hạt tiêu, chè tăng, thủy sản. Xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do lượng dầu thô giảm mạnh. Bù lại, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng khá so với cùng kỳ như dệt may, gỗ tăng, chất dẻo, linh kiện điện tử và máy tính...
- Xuất khẩu tăng mạnh là nhờ “ăn theo” thị trường thế giới đang phục hồi hay do chúng ta đã có bước đi thích hợp để chủ động đón nhận thời cơ?
Tôi cho rằng kết quả nêu trên đạt được là do có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và nỗ lực của các doanh nghiệp. Trong đó có thể thấy các biện pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực. Tất nhiên, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng trưởng đã giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện tăng mạnh.
Ở đây có thể lưu ý, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2009. Đây là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá và bù đắp lại phần giảm giá trị xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản, vàng và một số mặt hàng nông sản. Giá cả nhiều mặt hàng đã có sự hồi phục ở mức khá làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2009.
- Sắp tới Bộ Công thương có giải pháp gì để giữ tốc độ tăng trưởng?
Nếu tình hình thị trường tiếp tục có những yếu tố thuận lợi như 6 tháng đầu năm, giá cả hàng hóa không bị sụt giảm thì kim ngạch năm nay có khả năng đạt tăng trưởng trên hai con số. Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong năm 2010, Bộ Công thương đã và đang thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm, đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp hạn chế xuất khẩu thời gian qua.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) đã ký kết và tận dụng lợi thế từ FTA đem lại, phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp nội dung FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng lợi thế các FTA.
Thứ tư, Bộ Công thương sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị giao ban xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xuất khẩu, bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho từng ngành hàng, mặt hàng. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hải quan; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá; phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu.
- Đó mới là các giải pháp vĩ mô. Còn doanh nghiệp hàng ngày đang đối mặt với nạn cúp điện, thiếu vốn sản xuất, chúng ta phải làm gì?
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường nhằm khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Hiện tại, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu để góp phần thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm.
Về lĩnh vực điện, theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2010, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành văn bản yêu cầu thực hiện các biện pháp nâng cao cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo đó, bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung lực lượng, huy động tối đa (trong điều kiện kỹ thuật cho phép) các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để nâng cao khả năng cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, xử lý vấn đề ưu tiên cung cấp đủ điện cho công tác chống hạn.
Đồng thời, bộ cũng chỉ đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Than và Khoáng sản Việt Nam, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, ổn định và cung ứng điện.
Theo Văn Minh Hoa
Sài Gòn giải phóng