Từ năm 2005, ngành thuế bắt đầu triển khai các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế, đẩy mạnh công tác công khai hóa thông tin ngành Thuế, cho phép doanh nghiệp tra cứu các văn bản pháp quy cũng như các thông tư chính sách mới của ngành thuế, nâng cao công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm bớt nhân lực của cơ quan thuế trong việc hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế và tạo môi trường giao dịch văn minh hiện đại, đảm bảo chất lượng giao dịch, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa ngành thuế.
"Điểm mặt" các ứng dụng CNTT tiêu biểu
Ngành Thuế đã triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ mã vạch hai chiều trên tờ khai nộp thuế của người nộp thuế. Việc triển khai phần mềm hỗ trợ kê khai (HTKK) vào thực tế đã hỗ trợ doanh nghiệp kê khai tờ khai theo đúng quy định của cơ quan thuế, cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách, giảm các lỗi số học, tiết kiệm thời gian, cung cấp số liệu đầy đủ kịp thời, chi tiết cho việc báo cáo… và mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp cũng như cán bộ thuế. Ví dụ: Bộ phận nhận tờ khai hàng tháng của một Chi cục Thuế TP Hà Nội trước đây cần có 4 người/tổ và xử lý được khỏang 200 hồ sơ một ngày, đến nay, sau khi triển khai ứng dụng HTKK thì chỉ cần 1 người có thể tiếp nhận và nhập vào máy tính khỏang 250 hồ sơ một ngày.
Tiếp theo, năm 2009 việc triển khai thí điểm hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng được đánh dấu là một bước tiến mới của ngành Thuế trong công tác cải cách và hiện đại hóa, đặc biệt đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế. Qua đây, cơ quan thuế giảm được áp lực khi nhận tờ khai trực tiếp (nhất là trong các thời điểm kê khai hàng tháng, hàng quý), mà doanh nghiệp cũng tiết kiệm được khỏang thời gian quý giá và chi phí cơ hội khi phải đến trực tiệp cơ quan thuế, xếp hàng chờ đến lượt được nộp tờ khai. Hơn nữa, với ứng dụng này, người nộp thuế có thể thực hiện nhiệm vụ kê khai với nhà nước 24/24h trong ngày, và có thể nộp cả vào thứ 7 hoặc chủ nhật để đảm bảo đúng hạn kê khai của doanh nghiệp.
Hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng còn giúp doanh nghiệp trong trường hợp đại diện pháp lý của doanh nghiệp đi vắng thì vẫn có thể tự ký và nộp tờ khai thông qua việc kê khai thuế qua mạng hoặc có thể giao lại việc quản lý chữ ký điện tử cho người tin cậy để ký và nộp tờ khai. Việc sử dụng ứng dụng nộp hồ sơ khai thuế qua mạng cũng giúp cho đơn vị giảm được chi phí in ấn, tất cả các dữ liệu được xử lý thông quang mạng Internet.
Song song với mục tiêu cải cách và hiện đại hóa, năm 2009 được đánh dấu một bước ngoặt lớn của ngành Thuế khi Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9/2009 với khỏang 15 triệu cá nhân trong diện phải thực hiện kê khai và nộp thuế. Trước tình hình này, ngành Thuế đã nhanh chóng triển khai xây dựng ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý thuế TNCN từ cuối năm 2008. Dự án triển khai hệ thống đăng ký thuế TNCN qua mạng internet và hiện tại đã thực hiện cấp được hơn 7 triệu mã số thuế TNCN cho cá nhân làm công ăn lương đăng ký thuế thông qua tổ chức chi trả thu nhập năm 2009 nâng tổng số mã số thuế TNCN cấp cho tất cả các đối tương lên đến hơn 12 triệu mã số….
Bên cạnh đó, một loạt các ứng dụng khác phục vụ công tác quản lý thuế được tiếp tục nâng cấp và triển khai đáp ứng yêu cầu quản lý thuế như: Hỗ trợ người nộp thuế (ứng dụng QHS), ứng dụng đăng ký thuế (ứng dụng TIN), quản lý và phân tích tình trạng nợ thuế (ứng dụng QLN), ứng dụng quảng lý hóa đơn thuế (ứng dụng QLAC)…
Năm 2015: thực hiện thu nộp thuế qua mạng
Trên cơ sở áp dụng cải tiến các quy trình nghiệp vụ, từ đó thực hiện việc áp dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành công việc đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như:
Quy định rõ từng bước công việc với thời hạn xử lý rõ ràng và gắn với nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn hóa các chức năng, luồng công việc để có thể phát triển ứng dụng tin học hỗ trợ tốt cho xử lý thông tin trợ giúp cán bộ xử lý công việc nhanh và hiệu qủa hơn. Xác định rõ từng khâu trong tiến trình xử lý nghiệp vụ được tin học hóa như các khâu dữ liệu, xử lý dữ liệu, khai thác và phân tích dữ liệu phục vụ cho từng chức năng quản lý của ngành Thuế.
Tập trung dữ liệu trong từng cơ quan Thuế để chia sẻ thông tin phục vụ chung cho các khâu quản lý thuế thay cho việc quản lý thủ công, ghi chép trong sổ tay của từng cán bộ như trước đây. Việc quản lý thông tin tập trung và chia sẻ thông tin đã tạo điều kiện tốt cho việc chỉ đạo, điều hành đồng thời kiểm soát chặt chẽ được kết quả công việc và quản lý cán bộ, hạn chế tiêu cực trong việc thu thuế.
Trong việc cải tiến thủ tục hành chính thuế, ứng dụng tin học đã hỗ trợ việc xử lý việc nhận trả hồ sơ thuế tại các bộ phận “một cửa” nhanh chóng hơn. Tòan bộ quá trình nhận – phân công xử lý – xử lý và trả kết quả cho người nộp thuế được quản lý tự động trên hệ thống máy tính đã giúp lãnh đạo cơ quan Thuế kiểm soát đựoc số hồ sơ thuế đang xử lý đúng thời hạn, trễ thời hạn để đôn đốc thực hiện.
Sau khi ứng dụng CNTT, cơ quan thuế có thể nắm được số thuế phải nộp, đã nộp, còn nợ hàng ngày thay bằng việc kết sổ cuối tháng như trước đây, giúp giảm thời gian và nhân lực xử lý công việc đi rất nhiều (hiện đã giảm 80% nhân lực nhập dữ liệu tờ khai/chứng từ thuế). Cùng với đó, CNTT đã trợ giúp việc minh bạch hóa thông tin, chính sách, chế độ, quy trình quản lý thuế thông qua trang thông tin điện tử ngành thuế (www.gdt.gov.vn) và cung cấp một số thông tin cơ bản, tình trạng họat động của các doanh nghiệp trên Internet….
Năm 2010 và tiếp theo, ngành thuế cho biết tiếp tục chú trọng công tác ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế theo lộ trình chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành Thuế, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, trong đó đến năm 2015 sẽ tiến hành thu nộp thuế qua mạng hoàn toàn, đáp ứng đòi hỏi thuận tiện, minh bạch giữa người nộp và cơ quan thuế.
InfoTV - (VNN)